Người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng sẽ bị xử phạt như thế nào?
- Người lao động được phép nghỉ việc riêng trong trường hợp nào?
- Người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng sẽ bị xử phạt như thế nào?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt khi người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng?
- Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng là bao lâu?
Người lao động được phép nghỉ việc riêng trong trường hợp nào?
Theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định chi tiết những trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng như sau:
- Vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp:
+ Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
+ Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
- Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
- Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng sẽ bị xử phạt như thế nào? Những trường hợp người lao động được phép nghỉ việc riêng?
Người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
...
Và theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, đối với hành vi không cho người lao động nghỉ việc riêng thì người sử dụng lao động là cá nhân có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm, đối với tổ chức có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt khi người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng?
Theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này.
Đồng thời tại, khoản 2 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP đối với hành vi không cho người lao động nghỉ việc riêng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn toàn có đủ thẩm quyền xử phạt.
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động không cho người lao động nghỉ việc riêng là bao lâu?
Theo Điều 5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Và theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế
Như vậy, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trên là 01 năm.