Người sử dụng lao động có nghĩa vụ gì đối với lao động nữ làm việc tại cơ sở của mình?
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ gì đối với lao động nữ làm việc tại cơ sở của mình?
Theo Điều 136 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ làm việc tại cơ sở của mình như sau:
- Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
- Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.
- Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.
Ngoài ra người sử dụng lao động cần thực hiện các quy định riêng đối với lao động nữ quy định tại Bộ luật Lao động 2019 như:
- Thực hiện bảo vệ thai sản theo Điều 137 Bộ luật Lao động 2019;
- Tuân thủ quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai theo Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;
- Thực hiện chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019;
- Bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản theo Điều 140 Bộ luật Lao động 2019;
- Cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con theo Điều 142 Bộ luật Lao động 2019.
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ gì đối với lao động nữ làm việc tại cơ sở của mình? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động cần làm gì để đảm bảo quyền bình đẳng của lao động nữ?
Theo Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
Quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới
1. Quyền bình đẳng của người lao động:
a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;
b) Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới về các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong quan hệ lao động.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ. Việc tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định này.
3. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động:
a) Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn;
b) Thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Theo đó người sử dụng lao động cần thực hiện các điều sau để đảm bảo quyền bình đẳng của lao động nữ:
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;
- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ.
- Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ;
- Ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn;
- Thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới được thể hiện như thế nào?
Theo Điều 135 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Chính sách của Nhà nước
1. Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
2. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.
3. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.
4. Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế.
5. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó có thể thấy rằng chính sách Nhà nước về bình đẳng giới trong lao động nhằm mục đích xây dựng một môi trường lao động công bằng và trung thực, nơi mọi người có cơ hội công bằng và không bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính.
Chính sách bình đẳng giới trong lao động không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững, khuyến khích sự công bằng, sáng tạo và xây dựng một xã hội tiến bộ.