Người nước ngoài muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam thì cần đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ như thế nào?
- Người nước ngoài muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam thì cần đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ như thế nào?
- Muốn được công nhận văn bằng nước ngoài về ngành dược tại Việt Nam để được cấp Chứng chỉ hành nghề dược phải làm sao?
- Người giới thiệu thuốc có bắt buộc phải đeo thẻ là người giới thiệu thuốc khi hoạt động hay không?
Người nước ngoài muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam thì cần đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 07/2018/TT-BYT về yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ đối với người nước ngoài hoạt động trong ngành dược tại Việt Nam như sau:
Yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề dược
1. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ thuốc và người phụ trách dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải được công nhận biết tiếng Việt thành thạo, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch đáp ứng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Người nước ngoài và người Việt Nam định cư tại nước ngoài chưa được công nhận biết tiếng Việt thành thạo trong hành nghề dược, trên Chứng chỉ hành nghề dược phải ghi “yêu cầu có phiên dịch trong hành nghề”. Khi hành nghề dược, trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược phải có hợp đồng với người phiên dịch đáp ứng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
Như vậy, người nước ngoài muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam thì vấn đề về ngôn ngữ trong hành nghề dược cần đáp ứng yêu cầu như trên.
Người nước ngoài muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam thì cần đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ như thế nào?
Muốn được công nhận văn bằng nước ngoài về ngành dược tại Việt Nam để được cấp Chứng chỉ hành nghề dược phải làm sao?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật dược do Chính phủ ban hành như sau:
Quy định chi tiết về hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược
1. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật dược và được quy định cụ thể như sau:
...
b) Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn. Đối với các văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải kèm theo bản sao có chứng thực giấy công nhận tương đương của cơ quan có thẩm quyền về công nhận tương đương theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định này;
...
2. Đối với các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định. Các giấy tờ này phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng theo quy định.
Theo đó, trước tiên sẽ tiến hành Hợp pháp hóa lãnh sự văn bằng trên, sau đó tiến hành dịch và công chứng văn bản để có thể được sử dụng.
Người giới thiệu thuốc có bắt buộc phải đeo thẻ là người giới thiệu thuốc khi hoạt động hay không?
Căn cứ theo Điều 22 Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định về trách nhiệm của người giới thiệu thuốc cụ thể như sau:
Trách nhiệm của người giới thiệu thuốc
1. Phải đeo thẻ "Người giới thiệu thuốc" do cơ sở kinh doanh dược cấp và tuân thủ nội quy do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Thông tư này khi hoạt động giới thiệu thuốc. Người giới thiệu thuốc chỉ được thực hiện giới thiệu thuốc khi có sự đồng ý của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
2. Giới thiệu những thuốc đã được phép lưu hành ở Việt Nam theo đúng danh mục thuốc đã được cơ sở kinh doanh dược phân công và chỉ được cung cấp những thông tin về thuốc ghi trên nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được đăng ký lưu hành hoặc nội dung thông tin thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cho phép xác nhận.
3. Xuất trình tài liệu pháp lý chứng minh nội dung thông tin thuốc hợp lệ theo quy định khi có yêu cầu của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
4. Thu thập các báo cáo về phản ứng có hại của thuốc, các báo cáo có liên quan đến chất lượng của thuốc trong quá trình giới thiệu thuốc để cơ sở kinh doanh dược kịp thời tổng hợp và báo cáo về cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế theo Hướng dẫn quốc gia về cảnh giác dược do Bộ Y tế ban hành.
5. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Thông tin thuốc không đúng với nội dung thông tin thuốc đã đăng ký, xác nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc phát hành các tài liệu thông tin thuốc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung;
b) Giới thiệu thuốc không được cơ sở kinh doanh dược phân công giới thiệu;
c) Sử dụng lợi ích vật chất dưới mọi hình thức để tác động đến thầy thuốc, người dùng thuốc để thúc đẩy việc kê đơn, mua bán, sử dụng thuốc;
d) Giới thiệu, cung cấp thông tin thuốc không phù hợp với các tài liệu quy định tại Khoản 3 Điều 76 Luật dược;
đ) So sánh, giới thiệu thuốc của cơ sở mình tốt hơn thuốc của cơ sở khác mà không có tài liệu khoa học đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo để chứng minh;
e) Giới thiệu sản phẩm không phải là thuốc;
g) Có hoạt động liên quan đến việc mua, bán, ký gửi thuốc với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
h) Tiếp cận người bệnh, hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, thảo luận hoặc yêu cầu cung cấp thông tin liên liên quan đến người bệnh;
i) Phát hành tài liệu thông tin thuốc không đúng đối tượng đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế xác nhận.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người giới thiệu thuốc có trách nhiệm phải đeo thẻ Người giới thiệu thuốc khi hoạt động.