Người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp thì giải quyết dựa trên nguyên tắc gì?
- Người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp thì giải quyết dựa trên nguyên tắc gì?
- Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có hỗ trợ trong trường hợp người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp không?
- Mức hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong trường hợp người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp là bao nhiêu?
Người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp thì giải quyết dựa trên nguyên tắc gì?
Theo khoản 2 Điều 72 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định:
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp
1. Tranh chấp giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký kết giữa các bên và quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Tranh chấp giữa người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận đã giao kết giữa các bên và quy định pháp luật của nước tiếp nhận lao động, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ký kết với bên nước ngoài.
3. Tranh chấp giữa doanh nghiệp dịch vụ, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với bên nước ngoài tiếp nhận lao động hoặc tổ chức, cá nhân trung gian được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận đã giao kết giữa các bên và quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ký với bên nước ngoài.
Theo đó nếu người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp thì giải quyết trên dựa theo các cơ sở sau:
- Cơ sở thỏa thuận đã giao kết giữa các bên;
- Quy định pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
- Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Thỏa thuận quốc tế mà Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ký kết với bên nước ngoài.
Người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp thì giải quyết dựa trên nguyên tắc gì? (Hình từ Internet)
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có hỗ trợ trong trường hợp người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp không?
Theo khoản 1 Điều 67 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định:
Nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước người lao động trong trường hợp
1. Hỗ trợ đối với người lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc;
b) Người lao động phải về nước trước thời hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác;
c) Người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật này;
d) Giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
đ) Hỗ trợ thân nhân người lao động trong trường hợp người lao động chết, bị mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
...
Theo đó Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có thể hỗ trợ trong trường hợp người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp.
Mức hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong trường hợp người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp là bao nhiêu?
Theo điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định:
Hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Hỗ trợ người lao động chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc
a) Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/vụ việc;
...
2. Hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở.
a) Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ thuê chỗ ở cho người lao động;
b) Căn cứ dự toán được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt, hợp đồng ký giữa đơn vị được giao nhiệm vụ với tổ chức, cá nhân cung cấp chỗ ở cho người lao động và hóa đơn, chứng từ hợp lệ, Cơ quan điều hành trình Hội đồng quản lý Quỹ ra quyết định hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Theo đó mức hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong trường hợp người lao động Việt Nam với người sử dụng lao động ở nước ngoài xảy ra tranh chấp là:
- Trường hợp thuê luật sư tư vấn pháp lý, đóng án phí thì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ 50% chi phí (nhưng không quá 50.000.000 đồng/vụ việc);
- Trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/vụ việc.
Ngoài ra người lao động còn được hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời.
Mức hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ thuê chỗ ở cho người lao động.