Người lao động vi phạm hợp đồng đào tạo nghề phải bồi thường như thế nào?
Công ty có được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền khi cử người này đi đào tạo nghề hay không?
Tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
...
Theo đó, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền giữ kể cả trong trường hợp được cử đi đào tạo nghề.
Người lao động vi phạm hợp đồng đào tạo nghề phải bồi thường như thế nào?
Người lao động vi phạm hợp đồng đào tạo nghề phải bồi thường như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề
...
2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
c) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
d) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
đ) Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
e) Trách nhiệm của người lao động.
...
Người lao động sau khi được đào tạo phải làm việc cho người lao động theo đúng thời gian đã cam kết trong hợp đồng đào tạo. Sau đó, không thiếu trường hợp người lao động tự ý bỏ việc, khiến cho các doanh nghiệp không những bị khủng hoảng về nhân sự mà còn bị thiệt hại do mất kinh phí đào tạo.
Trong trường hợp vi phạm hợp đồng đào tạo nghề, người lao động có thể sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề cho người sử dụng lao động.
Do hợp đồng đào tạo nghề là sự thỏa thuận của các bên nên nếu trong hợp đồng đã nêu rõ trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo thì việc trả lại chi phí sẽ thực hiện theo thỏa thuận. Nếu có quy định về miễn trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo thì người lao động thuộc trường hợp đó sẽ không phải trả lại chi phí này.
Nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động không thỏa thuận một cách rõ ràng về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo thì việc hoàn trả chi phí được thực hiện như sau:
Trường hợp 1: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp
Bộ luật Lao động 2019 không đặt ra trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục và nghề nghiệp 2014 lại quy định:
Nghĩa vụ làm việc có thời hạn của người học
...
2. Người tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
Theo đó, người lao động vẫn có trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động nếu không làm việc theo đúng thời gian đã cam kết.
Trường hợp 2: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Theo đó, trong trường hợp này, người lao động cũng phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
Có thể thấy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải có trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo dù đúng luật hay trái luật.
Bởi vậy, để tránh tranh chấp xảy ra sau này, các bên khi ký hợp đồng đào tạo nghề cần thỏa thuận rõ các điều kiện phải hoàn trả chi phí đào tạo và trường hợp được miễn trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo.
Có được phạt vi phạm gấp nhiều lần chi phí đào tạo?
Bên cạnh việc hoàn trả chi phí đào tạo, người lao động có thể còn phải bồi thường thêm khoản tiền do vi phạm hợp đồng nếu trước đó các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm.
Các bên khi ký hợp đồng đào tạp nghề thường thỏa thuận người lao động sau khi được đào tạo phải cam kết làm việc cho người sử dụng lao động trong thời gian nhất định, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần chi phí đào tạo nghề.
Việc yêu cầu bồi thường do vi phạm dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Tại Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép các bên tự do thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng, tuy nhiên lại không đặt ra mức tối đa đối với phạt vi phạm mà sẽ do các bên tự thoả thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Trong khi đó, Bộ luật Lao động 2019 cũng không có quy định nào về vấn đề này. Vì vậy, việc áp dụng mức nào sẽ do sự thỏa thuận của các bên.
Như vậy, việc doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động về việc phạt vi phạm gấp nhiều lần chi phí đào tạo cũng không trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp tại Tòa án, với sự xem xét, cân bằng lợi ích giữa các bên thì mức phạt vi phạm được Tòa án áp dụng có thể thấp hơn so với mức các bên thỏa thuận trước đó.