Người lao động thỏa thuận với công ty không tham gia BHXH bị xử phạt thế nào?
Người lao động thỏa thuận với công ty để không tham gia BHXH bắt buộc có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
...
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:
Đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
...
4. Người lao động quy định tại các Điểm 1.1 và 1.2 Khoản 1 Điều này là người giúp việc gia đình và người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp hằng tháng dưới đây thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
a) Người đang hưởng lương hưu hằng tháng;
b) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;
c) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
d) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động;
đ) Quân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Dựa theo các quy định nêu trên, ngoài những đối tượng không bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội như người giúp việc gia đình, người đang nhận lương hưu, trợ cấp BHXH,... thì tất cả người lao động ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động đều có nghĩa vụ tham gia BHXH.
Do đó, nếu người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì hành vi này được coi là vi phạm pháp luật, và họ sẽ phải chịu xử phạt theo quy định hiện hành.
Người lao động thỏa thuận với công ty không tham gia BHXH bị xử phạt thế nào?
Người lao động thỏa thuận với công ty để không tham gia BHXH bắt buộc bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 5 và điểm a khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
...
5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
...
10. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;
...
Theo quy định đã nêu, nếu người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cả hai bên đều sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, người lao động có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng cho hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc.
Còn đối với người sử dụng lao động, nếu đồng ý với thỏa thuận này và thực hiện hành vi đóng BHXH không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, họ cũng sẽ bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm, nhưng không quá 75 triệu đồng. Hơn nữa, họ còn phải hoàn trả đủ số tiền BHXH bắt buộc cho cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với người sử dụng lao động là tổ chức (công ty) thì mức phạt là gấp 02. (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
BHXH bắt buộc có những chế độ gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
...
Như vậy, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 05 chế độ bao gồm: chế độ ốm đau; chế độ thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.