Người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
- Người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bị xử phạt như thế nào?
- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lý do người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ gì?
Người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Căn cứ Điều 175 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
1. Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:
a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, chuyển người lao động làm công việc khác;
c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
2. Can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoặc phân biệt đối xử giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó người sử dụng lao động có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lý do người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại công đoàn cơ sở là hành vi bị nghiêm cấm.
Do đó không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lý do người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại công đoàn cơ sở.
Người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không? (Hình từ Internet)
Đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;
b) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
c) Kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác;
d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy người sử dụng lao động có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền:
- Từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân.
- Từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.
- Thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lý do người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ gì?
Hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lý do người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thuộc hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (căn cứ Điều 39 Bộ luật Lao động 2019)
Căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, cụ thể như sau:
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo đó khi đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lý do người lao động thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì người sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ được nêu trên.