Người lao động nước ngoài sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn sẽ bị xử phạt như thế nào?
Thời hạn thẻ tạm trú của người lao động nước ngoài là bao lâu?
Người lao động nước ngoài khi có visa lao động sẽ được xem xét cấp thẻ tạm trú để được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.
Theo khoản 5 Điều 38 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 như sau:
Thời hạn thẻ tạm trú
1. Thời hạn thẻ tạm trú được cấp ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
2. Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm.
3. Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 và DH có thời hạn không quá 05 năm.
4. Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, ĐT3, TT có thời hạn không quá 03 năm.
5. Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ1, LĐ2 và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.
6. Thẻ tạm trú hết hạn được xem xét cấp thẻ mới.
Như vậy, thời hạn của thẻ tạm trú ký hiệu LĐ1, LĐ2 cấp cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là không quá 2 năm, khi hết thời hạn này thì được xem xét cấp thẻ mới.
Hành vi sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn sẽ bị xử phạt như thế nào? Thời hiệu xử phạt đối với hành vi sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn là bao lâu?
Hành vi sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về phạt vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại như sau:
Đối với người lao động nước ngoài:
- Người nước ngoài sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn dưới 16 ngày mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng
- Người nước ngoài sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn từ 16 ngày đến dưới 30 ngày mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
- Người nước ngoài sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn từ 30 ngày đến dưới 60 ngày mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
- Người nước ngoài sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn từ 60 ngày đến dưới 90 ngày mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
- Người nước ngoài sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn từ 16 ngày trở lên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
- Những người lao động nước ngoài hết hạn tạm trú ngoài bị xử phạt hành chính còn bị trục xuất khỏi Việt Nam
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 có quy định như sau:
Các trường hợp chưa cho nhập cảnh
..
5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.
...
Theo đó, ngoài bị phạt tiền với mức phạt tùy theo mức độ vi phạm, thì người lao động nước ngoài sử dụng thẻ tạm trú quá hạn còn bị trục xuất khỏi Việt Nam, cấm nhập cảnh trong vòng 3 năm sau đó.
Thời hiệu xử phạt đối với hành vi sử dụng thẻ tạm trú quá thời hạn là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a và b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính về hành vi sử dụng thẻ tạm trú hết hạn là 01 năm, tính từ ngày phát hiện ra vi phạm nếu hành vi đang thực hiện, tính từ thời điểm chấm dứt hành vi nếu hành vi đã kết thúc.