Người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu sẽ bị phạt như thế nào?
- Người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có phải mang theo hộ chiếu bên mình hay không?
- Người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu sẽ bị phạt như thế nào?
- Chiến sĩ công an có thẩm quyền xử phạt khi người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu không?
- Thời hiệu xử phạt đối với hành vi đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu là bao lâu?
Người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có phải mang theo hộ chiếu bên mình hay không?
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì hộ chiếu (passport) được hiểu là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của người nước ngoài hoặc Liên hợp quốc cấp cho người nước ngoài dùng để xác định quốc tịch nước ngoài của người đó.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 như sau:
Quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài
...
2. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam;
b) Hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh;
c) Khi đi lại phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
d) Người nước ngoài thường trú nếu xuất cảnh đến thường trú ở nước khác phải nộp lại thẻ thường trú cho đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.
Như vậy, người nước ngoài nói chung và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng khi đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ phải mang theo hộ chiếu, nếu bị các cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình mà không có sẽ bị xử phạt hành chính.
Người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu sẽ bị phạt như thế nào?
Người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu sẽ bị phạt như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC.
...
Theo đó, hành vi không mang theo hộ chiếu khi đi lại trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng
Chiến sĩ công an có thẩm quyền xử phạt khi người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu không?
Theo quy định tại Điều 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
2. Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 900.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
...
Theo đó, nếu phát hiện hành vi người lao động nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu thì chiến sĩ công an đang thi hành công vụ được áp dụng hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 400.000 đồng, mà hành vi này có mức phạt cao nhất là từ 300 - 500.000 đồng. Nếu:
- Cá nhân vi phạm lần đầu thì mức phạt là 400.000 đồng vẫn thuộc thẩm quyền xử phạt của Chiến sĩ Công an nhân dân.
- Cá nhân vi phạm mà có các tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt có thể thấp hơn 400.000 đồng thì vẫn thuộc thẩm quyền xử phạt của Chiến sĩ Công an nhân dân.
- Cá nhân vi phạm mà có các tình tiết tăng nặng thì mức phạt có thể cao hơn 400.000 đồng thì chiến sĩ công an có thể lập biên bản và gửi cho người cấp trên có thẩm quyền xử phạt.
(Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020).
Thời hiệu xử phạt đối với hành vi đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a và b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính về hành vi đi lại trên lãnh thổ Việt Nam không mang theo hộ chiếu là 01 năm, tính từ ngày phát hiện ra vi phạm nếu hành vi đang thực hiện, tính từ thời điểm chấm dứt hành vi nếu hành vi đã kết thúc.