Người lao động ngừng việc không phải do lỗi của mình thì có được trả lương không?
Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động có được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương không?
Căn cứ Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương, cụ thể như sau:
Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
1. Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định này.
2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
3. Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
4. Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 của Bộ luật Lao động.
5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
6. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
7. Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động.
8. Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Lao động.
9. Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
10. Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Theo đó, thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương.
Người lao động ngừng việc không phải do lỗi của mình thì có được trả lương không? (Hình từ Internet)
Người lao động ngừng việc không phải do lỗi của mình thì được trả lương như thế nào?
Căn cứ Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc, cụ thể như sau:
Tiền lương ngừng việc
Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo đó, người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
- Vùng 1: Mức lương tối thiểu tháng là 4.680.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 22.500 đồng.
- Vùng 2: Mức lương tối thiểu tháng là 4.160.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 20.000 đồng.
- Vùng 3: Mức lương tối thiểu tháng là 3.640.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 17.500 đồng.
- Vùng 4: Mức lương tối thiểu tháng là 3.250.000 đồng và mức lương tối thiểu giờ là 15.600 đồng.
Theo đó, căn cứ vào nơi mà người lao động làm việc thuộc vùng nào để xác định mức lương tối thiểu vùng.