Người lao động nghỉ việc có được trả lại hồ sơ sức khoẻ?
Người lao động nghỉ việc có được trả lại hồ sơ sức khoẻ?
Tại khoản 1 Điều 22 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập, quản lý hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp và lưu giữ trong suốt thời gian người lao động làm việc tại đơn vị; trả hồ sơ sức khỏe, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có) cho người lao động khi người lao động chuyển công tác sang cơ quan khác hoặc thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ.
2. Phối hợp với các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp lập kế hoạch, tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.
3. Tạo điều kiện cho người lao động đi điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải trả hồ sơ sức khoẻ khi người lao động chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ việc, nghỉ chế độ.
Người lao động nghỉ việc có được trả lại hồ sơ sức khoẻ? (Hình từ Internet)
Công ty có bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
...
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Đồng thời, tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Xây dựng quan hệ lao động
...
2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
...
b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng có quy định như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Như vậy, hằng năm công ty phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất một lần.
Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi thì doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng một lần.
Có được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí hoạt động khám sức khỏe cho người lao động?
Tại khoản 6 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
...
6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Theo đó, chi phí cho hoạt động khám sức khỏe cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả sẽ được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.