Người lao động nghỉ không lương dài ngày có được đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Người lao động được nghỉ không lương bao nhiêu ngày?
Tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Như vậy, người lao động được nghỉ không lương trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Nghỉ không lương khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha/mẹ, anh, chị, em ruột kết hôn.
Người lao động được nghỉ 01 ngày.
Trường hợp 2: Có thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Pháp luật không quy định cụ thể thời gian nghỉ trong trường hợp này. Do đó, người lao động và người sử dụng có thể tự thỏa thuận về số ngày nghỉ không lương mà không bị giới hạn.
Người lao động nghỉ không lương dài ngày có được đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Người lao động nghỉ không lương dài ngày có được đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Tại khoản 4 Điều 42 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định như sau:
Quản lý đối tượng
...
3. Đơn vị được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT, quỹ BHTN. Hết thời hạn được tạm dừng đóng, đơn vị tiếp tục đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo phương thức đã đăng ký và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tiền đóng bù không bị tính lãi chậm đóng.
Trong thời gian được tạm dừng đóng, nếu có người lao động nghỉ việc, di chuyển hoặc giải quyết chế độ BHXH thì đơn vị đóng đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN và tiền lãi chậm đóng (nếu có) đối với người lao động đó để xác nhận sổ BHXH.
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
5. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT
6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
...
Theo đó, nếu xin nghỉ không lương từ 14 ngày làm việc trở lên/tháng, người lao động sẽ không được công ty đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó. Tương ứng với những tháng không đóng bảo hiểm, người lao động cũng sẽ không được tính hưởng bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, theo nội dung hướng dẫn về quy trình báo giảm lao động được quy định tại Thủ tục 1.3 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, trong trường hợp người lao động ngừng việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì doanh nghiệp phải thực hiện báo giảm lao động để không phải đóng các loại bảo hiểm cho người lao động. Kéo theo đó, tại tháng báo giảm lao động, người lao động cũng sẽ không được đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Khi nào thời gian nghỉ không lương được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm?
Tại khoản 4 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
...
Theo đó, thời gian nghỉ không lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm thì được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm.