Người lao động mua giấy khám sức khỏe làm việc bị xử lý như thế nào?
Pháp luật quy định về giấy khám sức khỏe như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 14/2013/TT-BYT quy định về Cấp Giấy khám sức khỏe như sau:
Cấp Giấy khám sức khỏe
1. Giấy KSK được cấp 01 (một) bản cho người được KSK. Trường hợp người được KSK có yêu cầu cấp nhiều Giấy KSK thì cơ sở KSK thực hiện như sau:
a) Tiến hành việc nhân bản (photocopy) Giấy KSK đã có chữ ký của người kết luận trước khi đóng dấu. Số lượng Giấy KSK được nhân bản theo yêu cầu của người được KSK;
b) Sau khi tiến hành việc nhân bản, thực hiện việc dán ảnh, đóng dấu giáp lai vào Giấy KSK bản photocopy và đóng dấu theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư này.
2. Thời hạn trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ:
a) Đối với trường hợp KSK đơn lẻ: cơ sở KSK trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ cho người được KSK trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ khi kết thúc việc KSK, trừ những trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện KSK;
b) Đối với trường hợp KSK tập thể theo hợp đồng: cơ sở KSK trả Giấy KSK, Sổ KSK định kỳ cho người được KSK theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
3. Giá trị sử dụng của Giấy KSK, kết quả KSK định kỳ:
a) Giấy KSK có giá trị trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe; Đối với KSK cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì giá trị của Giấy KSK theo quy định của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà người lao động Việt Nam đến làm việc;
b) Kết quả KSK định kỳ có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp người được KSK có xét nghiệm HIV dương tính thì việc thông báo kết quả xét nghiệm này phải theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
Như vậy, giấy khám sức khỏe cấp 01 (một) bản cho người được KSK. Thời hạn trả kết quả KSK là trong vòng 24 giờ và giấy khám sức khỏe có giá trị trong vòng 12 tháng. Người lao động cần lưu ý các thông tin trên để đảm bảo việc được cấp thẻ kịp thời và đúng quy định pháp luật.
Xử phạt khi người lao động mua giấy khám sức khỏe (Hình từ Internet)
Công ty xử lý kỷ luật như thế nào đối với hành vi mua giấy khám sức khỏe của người lao động?
Kỷ luật lao động được quy định tại Điều 117 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Căn cứ theo Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động
1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
Đồng thời, tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 có quy định các hình thức kỷ luật như sau:
Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Từ các quy định trên có thể thấy nếu việc nội quy công ty có quy định về việc mua giấy khám sức khỏe là hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thì công ty có thể tiến hành trình tự kỷ luật và lựa chọn các hình thức xử lý kỷ luật lao động phù hợp, trừ trường hợp sa thải tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.
Người lao động mua giấy khám sức khỏe làm việc bị xử lý như thế nào?
Thực tế việc khám sức khỏe vẫn tốn nhiều thời gian và thủ tục nhiều bước nên người lao động đã chọn cách mua giấy khám sức khỏe làm việc. Điều này đã không tuân thủ trình tự thủ tục về việc cấp giấy khám sức khỏe.
Việc người sử dụng giấy khám sức khỏe giả để hoàn thành thủ tục, bổ sung hồ sơ việc làm là hành vi vi phạm các quy định về việc sử dụng giấy tờ giả cơ quan có thẩm quyền và sẽ bị xử phạt như sau:
Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, nếu người lao động có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; hay sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Trường hợp có các tình tiết tăng nặng thì có thể bị phạt tù lên tới 07 năm.