Người lao động làm việc vào ban đêm được nghỉ ngơi bao lâu?
Người lao động làm việc vào ban đêm được nghỉ ngơi bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Theo đó, người lao động làm việc ban đêm sẽ được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Thời gian nghỉ này cũng được tính cho người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc thuộc khung giờ làm việc ban đêm theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động cũng được tính vào thời giờ làm việc để hưởng lương nếu người lao động làm việc theo ca liên tục.
Theo khoản 3 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định:
Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca
1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
2. Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).
3. Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Như vậy, ca liên tục là ca làm việc có đủ các điều kiện sau:
- Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ.
- Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Thời điểm nghỉ giữa ca đêm sẽ do người sử dụng lao động quyết định và bố trí vào lúc hợp lý nhưng không được sắp xếp thời gian nghỉ giữa ca vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
Người lao động làm việc vào ban đêm được nghỉ ngơi bao lâu? (Hình từ Internet)
Thời giờ làm việc vào ban đêm của người lao động có thay đổi gì không?
Tại Điều 70 Bộ luật Lao động 1994 (có hiệu lực 01/01/1995 - 01/05/2013) có quy định:
Điều 70. Thời giờ làm việc ban đêm tính từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ, tuỳ theo vùng khí hậu do Chính phủ quy định.
Đồng thời, tại Điều 6 Nghị định 195-CP năm 1994 quy định như sau:
Điều 6 - Thời giờ làm việc ban đêm theo Điều 70 của Bộ Luật lao động được quy định như sau:
- Từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc được tính từ 22 giờ đến 6 giờ.
- Từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào phía Nam được tính từ 21 giờ đến 5 giờ.
Theo đó trước đây thời giờ làm việc ban đêm có 2 khung giờ 1 là từ 22 giờ đến 6 giờ, 2 là từ 21 giờ đến 5 giờ. Và theo quy định Chính phủ thì từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc được tính thời giờ làm việc ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ. Và từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào phía Nam thời giờ làm việc ban đêm được tính từ 21 giờ đến 5 giờ.
Sau này khi Bộ luật Lao động 2012 được ban hành và được thay thế bởi Điều 106 Bộ luật Lao động 2019 thì giờ làm việc ban đêm đều được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Cụ thể:
Giờ làm việc ban đêm
Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Vậy có thể thấy đến hiện tại thì đã gộp chung thành một khung thời giờ áp dụng cho cả nước là thời giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đêm đến 06 giờ ngày hôm sau.
Có được sử dụng lao động khuyết tật làm việc vào ban đêm không?
Căn cứ khoản 1 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật, cụ thể như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật
1. Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
2. Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được quyền sử dụng lao động khuyết tật làm việc vào ban đêm khi có sự đồng ý của họ. Việc sử dụng lao động khuyết tật mà không có sự đồng ý của người lao động là hành vi bị nghiêm cấm.