Người lao động làm đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần có cần đóng dấu không?
Người lao động làm đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần có cần đóng dấu không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 401 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:
Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu
...
2. Đơn yêu cầu của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này.
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Như vậy, người lao động làm đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì cần ký tên hoặc điểm chỉ chứ không cần đóng đấu.
Người lao động làm đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần có cần đóng dấu không?
Ai là người có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu?
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Lao động 2019 thì thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thuộc về Tòa án nhân dân.
Trước đây, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Lao động 2012 quy định ngoài Tòa án nhân dân thì Thanh tra lao động cũng có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu do người giao kết hợp đồng không đúng thẩm quyền?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
- Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:
+ Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
+ Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
+ Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
- Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
+ Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định trên;
+ Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
- Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.