Người lao động khuyết tật có được miễn thuế thu nhập cá nhân không?
Thế nào là thuế thu nhập cá nhân?
Thuế thu nhập cá nhân được hiểu là một loại thuế trực thu, được đánh vào một số cá nhân có thu nhập cao.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi bởi khoản 1 điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) quy định tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công sẽ thuộc thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, không phải người lao động nào được nhận tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền công tiền lương đều sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Cá nhân chỉ phải đóng thuế thu nhập khi thuộc đối tượng người nộp thuế theo quy định của Pháp luật. Người có thu nhập càng cao thì mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ càng lớn.
Người lao động khuyết tật có được miễn thuế thu nhập cá nhân không? (Hình từ Internet)
Đối tượng nào phải nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2023?
Căn cứ Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC) thì người nộp thuế bao gồm:
- Cá nhân cư trú:
+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam;
+ Có thu nhập chịu thuế.
- Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế.
Trong đó:
(1) Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
- Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, cụ thể:
+ Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
+ Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
+ Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
+ Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trong trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
+ Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc,... không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Để chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác sẽ được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú.
Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc các vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân phải cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.
(2) Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu trên.
Căn cứ khoản 4 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, hướng dẫn thêm về người nộp thuế bao gồm:
- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam (kể cả cá nhân được cử đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài có thu nhập chịu thuế);
- Cá nhân là người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế (bao gồm: người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam).
Người lao động khuyết tật có được miễn thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 6 Điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) quy định như sau:
Thu nhập được miễn thuế
1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau.
2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Cá nhân chuyển nhượng có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định tại Khoản này phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó);
b) Thời gian cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày;
c) Nhà ở, quyền sử dụng đất ở được chuyển nhượng toàn bộ;
Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở. Cá nhân có nhà ở, đất ở chuyển nhượng có trách nhiệm kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện kê khai sai thì không được miễn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau.
5. Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất quy định tại Khoản này phải thỏa mãn các điều kiện:
a) Có quyền sử dụng đất, sử dụng mặt nước hợp pháp để sản xuất và trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản. Đối với đánh bắt thủy sản thì phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tàu, thuyền, phương tiện đánh bắt và trực tiếp tham gia đánh bắt thủy sản;
b) Thực tế cư trú tại địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về cư trú.
6. Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.
7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
8. Thu nhập từ kiều hối.
9. Phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.
10. Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện. Cá nhân sinh sống, làm việc tại Việt Nam được miễn thuế đối với tiền lương hưu do nước ngoài trả.
11. Thu nhập từ học bổng, bao gồm:
a) Học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước;
b) Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước (bao gồm cả khoản tiền sinh hoạt phí) theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.
12. Tiền bồi thường bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tiền bồi thường tai nạn lao động, các khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.
13. Thu nhập nhận được từ các quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích thu lợi nhuận.
14. Thu nhập nhận được từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức Chính phủ và phi Chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
15. Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế;
16. Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu có được từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.
Bộ Tài chính quy định thủ tục, hồ sơ xác định các khoản thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều này.
Như vậy, đối với thu nhập chịu thuế, chỉ khi đáp ứng được các điều kiện cũng như thu nhập đó là thu nhập được miễn thuế theo quy định trên thì mới được miễn, giảm thuế TNCN.
Từ quy định trên, người khuyết tật không thuộc đối tượng được miễn thuế TNCN.
Theo đó, nếu là người khuyết tật nhưng có các điều kiện được giảm thuế theo quy định Điều 5 Nghị định 65/2013/NĐ-CP hoặc có thu nhập được miễn thuế được quy định tại Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, khoản 6 Điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP thì có thể sẽ được miễn, giảm thuế tương ứng với thu nhập chịu thuế của mình.