Người lao động không được từ chối khám sức khỏe định kỳ theo đợt của công ty đúng không?
Một năm người lao động phải được khám sức khỏe định kỳ mấy lần?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
...
Như vậy, một năm người lao động sẽ được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần, đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất một năm 02 lần (06 tháng/lần).
Theo đó, số lượng về lần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nêu trên đều là ít nhất. Vì thế, tùy thuộc vào chính sách của từng công ty, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động có thể nhiều hơn 01 hoặc 02 lần một năm.
Người lao động không được từ chối khám sức khỏe định kỳ theo đợt của công ty đúng không?
Người lao động không được từ chối khám sức khỏe định kỳ theo đợt của công ty đúng không?
Theo điểm c khoản 1 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
...
c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
...
Bên cạnh đó, điểm a khoản 2 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 cũng có quy định :
2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;
...
Như vậy, việc khám sức khỏe định kỳ vừa là nghĩa vụ của công ty vừa đồng thời là quyền lợi của người lao động.
Theo quy định pháp luật hiện hành, công ty bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Tuy nhiên, pháp luật không yêu cầu người lao động bắt buộc phải tham gia khám sức khỏe theo từng đợt do công ty tổ chức. Do đó, người lao động vẫn có quyền từ chối khám sức khỏe định kỳ theo đợt mà công ty tổ chức.
Tuy nhiên, nếu việc tham gia khám sức khỏe định kỳ đã được quy định trong nội quy của công ty, thì người lao động vẫn phải tuân thủ và thực hiện theo quy định đó.
Công ty không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
...
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng có quy định:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, người sử dụng lao động là cá nhân có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu - 3 triệu đồng/người lao động nhưng không quá 75 triệu đồng, đối với người sử dụng lao động là tổ chức (công ty) thì mức phạt sẽ tăng gấp 02 lần (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)