Người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/7/2025 theo phương thức nào?
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/7/2025 theo phương thức nào?
Căn cứ theo Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025) quy định như sau:
Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
a) Hằng tháng;
b) 03 tháng một lần;
c) 06 tháng một lần;
d) 12 tháng một lần;
đ) Một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức quy định tại khoản 1 Điều này;
e) Một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.
...
Theo đó, người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/7/2025 theo các phương thức sau:
- Hằng tháng;
- 03 tháng một lần;
- 06 tháng một lần;
- 12 tháng một lần;
- Một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/7/2025 theo phương thức nào? (Hình từ Internet)
Cơ quan BHXH được từ chối chi trả chế độ BHXH tự nguyện không?
Căn cứ theo Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025) quy định như sau:
Quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội
1. Yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, thang lương, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
2. Được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin hoặc cung cấp bản sao giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để rà soát, kiểm tra việc thực hiện đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với doanh nghiệp, tổ chức thành lập mới.
3. Được cơ quan thuế cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của người sử dụng lao động và các thông tin khác có liên quan đến việc tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
4. Từ chối chi trả chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế khi yêu cầu chi trả không đúng quy định của pháp luật; trường hợp từ chối chi trả phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
...
Theo đó, cơ quan BHXH được từ chối chi trả chế độ BHXH tự nguyện khi yêu cầu chi trả không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi từ chối chi trả cơ quan BHXH phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện không?
Căn cứ theo Điều 6 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025) quy định như sau:
Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội
1. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị mất việc làm.
3. Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật này.
4. Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
5. Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
6. Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
7. Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội.
8. Khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Theo đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện.