Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo tháng hay quý?
Việc đóng bảo hiểm xã hội có cần phải ghi nhận trong nội dung hợp đồng lao động hay không?
Tại i điểm khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
Nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, theo quy định trên thì một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng lao động là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo tháng hay quý? (Hình từ Internet)
Đóng bảo hiểm xã hội theo tháng hay quý?
Tùy loại hình bảo hiểm xã hội người lao động đăng ký tham gia mà phương thức đóng sẽ được quy định khác nhau. Cụ thể:
(1) Đối với Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Theo quy định tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn tại Điều 7 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 3 Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023 người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo phương thức sau:
- Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tháng: Áp dụng với tất cả người lao động.
- Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quý (3 tháng) hoặc 06 tháng/lần: Áp dụng với người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
(2) Đối với Bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Theo quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 9 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 người lao động được chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức sau:
- Đóng hằng tháng.
- Đóng 03 tháng/lần.
- Đóng 06 tháng/lần.
- Đóng 12 tháng/lần.
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần.
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu vào tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
Lương đóng bảo hiểm xã hội không tính đến các khoản tiền nào?
Tại khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
...
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.
...
Như vậy, mức lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ không tính đến các khoản tiền sau:
- Tiền thưởng căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ như:
+ Xăng xe;
+ Điện thoại;
+ Đi lại;
+ Tiền nhà ở;
+ Tiền giữ trẻ;
+ Nuôi con nhỏ.
- Hỗ trợ khi người lao động:
+ Có thân nhân bị chết;
+ Có người thân kết hôn;
+ Sinh nhật của người lao động.
- Trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khi gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH;
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.