Người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục vẫn được hưởng các quyền lợi gì?
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục vẫn được hưởng các quyền lợi gì?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn không đặt ra yêu cầu phải đóng bảo hiểm xã hội một cách liên tục để tính hưởng quyền lợi.
Thêm vào đó, khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 còn quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
…
5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, người tham gia đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (theo khoản 3 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Vì vậy, nếu đóng bảo hiểm xã hội không liên tục, người lao động vẫn được tính hưởng các chế độ theo tổng thời gian đã đóng trừ đi thời gian đã tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục vẫn được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục vẫn được hưởng các quyền lợi gì? (Hình từ Internet)
Việc đóng bảo hiểm xã hội có cần phải ghi nhận trong nội dung hợp đồng lao động hay không?
Tại i điểm khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
Nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, theo quy định trên thì một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng lao động là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao nhiêu năm mới được hưởng lương hưu?
Tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
3. Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động thì được hưởng lương hưu.
...
Đồng thời tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng lương hưu nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.
Riêng đối với lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.