Người lao động đang chấp hành hình phạt tù có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?
- Người lao động đang chấp hành hình phạt tù có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?
- Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được ủy quyền cho người khác nhận bảo hiểm xã hội khi đang đi tù hay không?
- Mẫu Giấy ủy quyền nhận thay các chế độ BHXH khi người lao động phải chấp hành hình phạt tù mới nhất hiện nay?
Người lao động đang chấp hành hình phạt tù có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
...
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
...
Bên cạnh đó, theo điểm h khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân như sau:
Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân
1. Phạm nhân có các quyền sau đây:
...
h) Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
...
Theo đó, những người tham gia BHXH tự nguyện đáp ứng điều kiện sau:
- Là công dân Việt Nam;
- Từ đủ 15 tuổi trở lên;
- Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, những người đang chấp hành hình phạt tù vẫn có quyền được tham gia BHXH tự nguyện và hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật hiện hành.
Các chế độ bảo hiểm xã hội người chấp hành hình phạt tù được hưởng theo khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm:
- Chế độ hưu trí;
- Chế độ tử tuất.
Người lao động đang chấp hành hình phạt tù có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay không? (Hình phạt tù)
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được ủy quyền cho người khác nhận bảo hiểm xã hội khi đang đi tù hay không?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Quyền của người lao động
...
6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
...
Theo đó, nếu người lao động đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù không thể trực tiếp nhận lương hưu thì có thể ủy quyền cho người khác nhận thay mình.
Mẫu Giấy ủy quyền nhận thay các chế độ BHXH khi người lao động phải chấp hành hình phạt tù mới nhất hiện nay?
Theo điểm 1.2.2 khoản 1 Điều 6 Quy trình ban hành theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 thì trường hợp đang chấp hành hình phạt tù thì để được hưởng lương hưu thì trong hồ sơ cần có thêm Giấy ủy quyền.
- Giấy ủy quyền nhận thay các chế độ BHXH là mẫu số 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019
Dưới đây là hình ảnh Mẫu Giấy ủy quyền nhận thay BHXH.
Tải Mẫu Giấy ủy quyền. Tải về
Hướng dẫn viết Giấy ủy quyền nhận BHXH
(1) Ghi đầy đủ địa chỉ: Số nhà, ngõ (ngách, hẻm), đường phố, tổ (thôn, xóm, ấp), xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố), tỉnh (thành phố); trường hợp người ủy quyền đang chấp hành hình phạt tù thì ghi tên trại giam, huyện (quận, thị xã, thành phố), tỉnh(thành phố);
(2) Ghi rõ nội dung ủy quyền như: Làm loại thủ tục gì; nhận hồ sơ hưởng BHXH (bao gồm cả thẻ BHYT) nếu có; Nhận lương hưu hoặc loại trợ cấp gì; đổi thẻ BHYT, thanh toán BHYT, đổi sổ BHXH, điều chỉnh mức hưởng hoặc chế độ gì... Nếu nội dung ủy quyền bao gồm cả làm đơn thì cũng phải ghi rõ làm ủy quyền làm đơn, trường hợp ủy quyền cho thực hiện toàn bộ thủ tục (bao gồm cả làm đơn, nộp, nhận hồ sơ, nhận tiền) thì phải ghi thật cụ thể.
(3) Thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận và ghi rõ từ ngày/tháng/năm đến ngày/tháng/năm; trường hợp để trống thì thời hạn ủy quyền là một năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền
(4) Chứng thực chữ ký của người ủy quyền: Là chứng thực chính quyền địa phương hoặc của Phòng Công chứng hoặc của Thủ trưởng trại giam, trại tạm giam hoặc của Đại sứ quán Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hoặc của chính quyền địa phương của nước ngoài nơi người hưởng đang cư trú (chỉ cần xác nhận chữ ký của người ủy quyền);
Lưu ý:
- Giấy ủy quyền bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người được ủy quyền không thực hiện đúng nội dung cam kết thì ngoài việc phải bồi thường số tiền đã nhận không đúng quy định thì tùy theo hậu quả còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hành chính hoặc hình sự.