Người lao động có phải chi trả chi phí sao, gửi tài liệu liên quan đến quá trình làm việc khi chấm dứt HĐLĐ không?
- Người lao động có phải chi trả chi phí sao, gửi tài liệu liên quan đến quá trình làm việc khi chấm dứt HĐLĐ không?
- Doanh nghiệp không cung cấp tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Hợp đồng lao động đương nhiên chấm dứt hiệu lực khi hết hạn đúng không?
Người lao động có phải chi trả chi phí sao, gửi tài liệu liên quan đến quá trình làm việc khi chấm dứt HĐLĐ không?
Căn cứ theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
...
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Theo đó, trong trường hợp người lao động yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động không phải chi trả chi phí sao, gửi các tài liệu này mà những chi phí này sẽ do doanh nghiệp chi trả.
Người lao động có phải chi trả chi phí sao, gửi tài liệu liên quan đến quá trình làm việc khi chấm dứt HĐLĐ không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp không cung cấp tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động khi người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ bị phạt với mức tiền như sau:
- Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng: đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng: đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng: đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
(Căn cứ theo nguyên tắc mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi mức phạt đối với cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Hợp đồng lao động đương nhiên chấm dứt hiệu lực khi hết hạn đúng không?
Căn cứ theo Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
...
Theo đó, hợp đồng lao động sẽ đương nhiên chấm dứt hiệu lực khi hết thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.