Người lao động bị chết trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp có trách nhiệm gì?
- Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm gì trong tổ chức đào tạo người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng?
- Người lao động bị chết trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp có trách nhiệm gì?
- Người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp trúng thầu ở nước ngoài phải có nghĩa vụ gì?
Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm gì trong tổ chức đào tạo người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 141/2005/NĐ-CP quy định như sau:
Tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng
Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng và bổ túc kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra cấp chứng chỉ cho người lao động khi kết thúc khoá học theo quy định của pháp luật.
Như vậy, doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm tổ chức dạy ngoại ngữ, bổ túc kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và kiểm tra cấp chứng chỉ cho người lao động khi kết thúc khóa học theo quy định pháp luật.
Người lao động bị chết trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp có trách nhiệm gì? (Hình từ Internet)
Người lao động bị chết trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp có trách nhiệm gì?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 141/2005/NĐ-CP quy định như sau:
Quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động
Doanh nghiệp có trách nhiệm sau:
1. Cử cán bộ đại diện doanh nghiệp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động.
2. Cùng với đối tác và người sử dụng lao động nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động trong các trường hợp:
a) Người sử dụng lao động thực hiện không đúng hợp đồng lao động đã ký với người lao động;
b) Người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro hoặc bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại danh dự, nhân phẩm;
c) Người lao động bị chết.
3. Tư vấn, hỗ trợ người lao động trong trường hợp có tranh chấp về quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.
4. Phối hợp với đối tác, gia đình và người bảo lãnh vận động, thuyết phục người lao động đã bỏ trốn trở lại nơi làm việc theo hợp đồng; nếu người lao động không thực hiện, doanh nghiệp phải báo cáo với Cục quản lý lao động ngoài nước, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc các cơ quan khác được uỷ nhiệm thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện Việt Nam) ở nước sở tại để xử lý theo quy định của Nghị định này.
5. Cung cấp thông tin cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để cấp giấy tờ cho người lao động về nước.
Như vậy, trường hợp người lao động bị chết trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp có trách nhiệm cùng với đối tác và người sử dụng lao động nước ngoài giải quyết vấn đề phát sinh đối với người lao động.
Người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp trúng thầu ở nước ngoài phải có nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 32 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định như sau:
Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
1. Thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng về điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, quyền lợi, chế độ của người lao động làm việc tại công trình, dự án của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài.
2. Tổ chức để người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.
3. Trực tiếp tổ chức đưa đi, quản lý và sử dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Thỏa thuận bằng phụ lục hợp đồng lao động với người lao động nội dung bổ sung về thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác phù hợp với phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này và quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
5. Bảo đảm để người lao động được kiểm tra sức khỏe định kỳ bao gồm cả sức khỏe sinh sản và khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn. Trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có trách nhiệm đưa người lao động về nước và chịu chi phí liên quan.
6. Tổ chức đưa di hài hoặc thi hài người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài về nước và chịu mọi chi phí liên quan; thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
7. Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện việt Nam ở nước ngoài để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
...
Như vậy, trường hợp người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp trúng thầu ở nước ngoài có nghĩa vụ tổ chức đưa di hài hoặc thi hài người lao động về nước và chịu mọi chi phí liên quan và thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.