Người ký hợp đồng lao động có được là công chứng viên của Phòng công chứng không?
Hình thức hoạt động của Phòng công chứng như thế nào?
Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng.
Theo quy định tại Điều 20 Luật Công chứng 2024, Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, được tổ chức hoạt động theo Luật Công chứng và quy định pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
Phòng công chứng có từ 02 công chứng viên trở lên, tại các địa bàn cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì Phòng công chứng có thể có 01 công chứng viên.
Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng Phòng công chứng, do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật. Trưởng Phòng công chứng phải là công chứng viên và đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên.
Người ký hợp đồng lao động có được là công chứng viên của Phòng công chứng không? (Hình từ Internet)
Người ký hợp đồng lao động có được là công chứng viên của Phòng công chứng không?
Căn cứ tại Điều 34 Luật Công chứng 2014 quy định:
Hình thức hành nghề của công chứng viên
1. Các hình thức hành nghề của công chứng viên bao gồm:
a) Công chứng viên của các Phòng công chứng;
b) Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng;
c) Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng.
2. Việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chứng viên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức.
Việc ký và thực hiện hợp đồng lao động với công chứng viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về lao động.
Và theo Điều 37 Luật Công chứng 2024 quy định hình thức hành nghề của công chứng viên từ 01/07/2025 như sau:
Hình thức hành nghề của công chứng viên
1. Các hình thức hành nghề của công chứng viên bao gồm:
a) Công chứng viên là viên chức của Phòng công chứng;
b) Công chứng viên là thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh hoặc công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân;
c) Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.
2. Việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chứng viên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về viên chức.
Việc hành nghề của công chứng viên quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp.
Việc ký và thực hiện hợp đồng lao động với công chứng viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về lao động và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Luật Công chứng 2014 thì chỉ thừa nhận một hình thức hành nghề công chứng tại Phòng công chứng. Theo đó, người hành nghề tại Phòng công chứng phải là viên chức ký hợp đồng làm việc với Phòng công chứng.
Tuy nhiên, từ 01/07/2025 thì cho phép công chứng viên ký hợp đồng lao động với Phòng công chứng được phép hành nghề công chứng viên tại Phòng công chứng. Việc bổ sung thêm hình thức hành nghề tại Phòng công chứng như nội dung nêu trên là hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành khi tại các đơn vị sự nghiệp đã được phép ký hợp đồng lao động với người lao động để thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ.
Quyền lợi của công chứng viên hành nghề theo hình thức ký hợp đồng lao động tại Phòng công chứng là gì?
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 10 Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định:
Tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ
1. Cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được hưởng các quyền lợi sau đây:
…
đ) Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
…
Căn cứ điểm a, điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định:
Tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ
…
2. Quyền lợi của người lao động
a) Người lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Tiền lương trong hợp đồng lao động áp dụng một trong hai hình thức: Áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động hoặc áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức thì các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức;
…
c) Người lao động làm các công việc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định này được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
…
Từ các căn cứ trên, công chứng viên ký hợp đồng lao động tại Phòng công chứng được thỏa thuận với đơn vị áp dụng một trong hai hình thức tiền lương sau:
- Áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động.
- Trường hợp thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của viên chức thì các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như viên chức.
Ngoài ra, công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động tại Phòng công chứng còn được được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động và theo thỏa thuận với đơn vị sử dụng lao động.