Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề có được không?
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề có được không?
Căn cứ theo Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Nội dung đăng ký hành nghề
1. Họ và tên, số giấy phép hành nghề của người hành nghề.
2. Chức danh, vị trí chuyên môn của người hành nghề.
3. Địa điểm hành nghề, bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đăng ký hành nghề.
4. Thời gian hành nghề.
5. Ngôn ngữ mà người hành nghề nước ngoài sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 21 của Luật này.
Theo đó, khi đăng khí hàng nghề phải có địa điểm và thời gian hành nghề.
Căn cứ theo Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
1. Xâm phạm quyền của người bệnh.
2. Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật này.
3. Khám bệnh, chữa bệnh mà không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật này.
4. Khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi hành nghề hoặc phạm vi hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo huy động, điều động của cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
5. Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là đăng ký hành nghề), trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này.
...
Theo quy định trên người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề là hành vi bị cấm.
Tuy nhiên, người hành nghề có thể khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề trong các trường hợp không cần phải đăng ký hành nghề, bao gồm:
- Hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu viên ngoại viện;
- Được cơ quan, người có thẩm quyền huy động, điều động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp;
- Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt;
- Khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn;
- Trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Như vậy, người hành nghề không được khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp người hành nghề được khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề.
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề có được không? (Hình từ Internet)
Các chức danh chuyên môn nào bắt buộc phải có giấy phép hành nghề?
Căn cứ theo Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề
1. Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:
a) Bác sỹ;
b) Y sỹ;
c) Điều dưỡng;
d) Hộ sinh;
đ) Kỹ thuật y;
e) Dinh dưỡng lâm sàng;
g) Cấp cứu viên ngoại viện;
h) Tâm lý lâm sàng;
i) Lương y;
k) Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
2. Chính phủ quy định chức danh chuyên môn và điều kiện cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với chức danh chuyên môn được bổ sung ngoài các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi hành nghề đối với từng chức danh chuyên môn.
Như vậy, các chức danh chuyên môn bắt buộc phải có giấy phép hành nghề bao gồm: Bác sỹ; Y sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng lâm sàng; Cấp cứu viên ngoại viện; Tâm lý lâm sàng; Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Ngoài ra, tùy vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ mà Chính phủ quy định chức danh chuyên môn ngoài các chức danh trên sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thẩm quyền cấp mới giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc về ai?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Bộ Y tế cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;
- Bộ Quốc phòng cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;
- Bộ Công an cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;
- Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 28 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.