Người bán hàng đa cấp có cần phải đặt cọc tiền trước cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp không?
Hàng hoá nào được kinh doanh đa cấp?
Kinh doanh đa cấp chỉ áp dụng đối với hàng hoá. Tuy nhiên không phải hàng hóa nào cũng được phép kinh doanh đa cấp, sau đây là những đối tượng được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp:
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp như sau:
Đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp
1. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp:
a) Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;
b) Sản phẩm nội dung thông tin số.
Đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp (hình từ internet)
Người bán hàng đa cấp có cần phải đặt cọc tiền trước cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp không?
Nhằm để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, pháp luật đã có quy định về những hành vi mà doanh nghiệp không được làm trong kinh doanh đa cấp như sau:
Theo Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định:
Những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
b) Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
c) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
d) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
đ) Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
e) Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;
g) Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;
h) Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác;
i) Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp;
k) Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này;
l) Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định tại Điều 4 Nghị định này;
m) Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp;
n) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
Như vậy, yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là hành vi bị cấm. Do đó, trường hợp người đang muốn tham gia bán hàng đa cấp mà bị yêu cầu đặt cọc thì nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp của công ty. Cần đảm bảo rằng công ty đó là đáng tin cậy và có sự minh bạch trong các hoạt động kinh doanh của họ.
Hành vi yêu cầu đặt cọc trong bán hàng đa cấp sẽ bị xử lý như nào?
Trường hợp yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp đặt cọc là hành vi bán hàng đa cấp bất chính sẽ bị xử lý như sau:
Căn cứ theo Điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định:
Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
…
9. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
b) Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
c) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
d) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
...
đ) Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
…
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, khoản 5, điểm h, i và k khoản 7, điểm e khoản 8, điểm a, b, d, h và i khoản 9 Điều này;
…
Như vậy, trường hợp công ty yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp đặt cọc ngoài việc bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000, ngoài ra doanh nghiệp còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên.