Nghề Digital Marketing là gì? Làm Digital Marketing thì cần học ngành nào hệ cao đẳng?
Nghề Digital Marketing là gì?
Digital Marketing là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ các hoạt động tiếp thị và quảng cáo được thực hiện thông qua các kênh trực tuyến và công nghệ số. Nó bao gồm việc sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến như website, email, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến và các hình thức khác để tương tác và tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Nghề Digital Marketing đã trở thành một phần quan trọng của chiến lược tiếp thị hiện đại, cho phép doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tăng tương tác với khách hàng, tăng doanh số bán hàng và phát triển mạng lưới khách hàng trên môi trường trực tuyến.
Hiện tại pháp luật không có giải thích cụ thể về thuật ngữ này cũng như nghề Digital Marketing, tuy nhiên nghề Digital Marketing được đề cập là một vị trí việc làm trong Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho các ngành, nghề thuộc lĩnh vực báo chí, thông tin, kinh doanh.
Digital Marketing là gì? Làm Digital Marketing thì cần học ngành nào hệ cao đẳng?
Làm Digital Marketing thì cần học ngành nào hệ cao đẳng?
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục A Chương 6 Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho các ngành, nghề thuộc lĩnh vực báo chí, thông tin, kinh doanh và quản lý (sau đây gọi tắt là Quy định) ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
1. Giới thiệu chung về ngành, nghề
Marketing thương mại trình độ cao đẳng là ngành, nghề thực hiện các nhiệm vụ và công việc nhằm phát hiện ra các nhu cầu, mong muốn của khách hàng, sáng tạo giá trị, truyền thông giá trị, cung ứng giá trị nhằm thỏa mãn nhu cầu của các bên tham gia quá trình trao đổi của doanh nghiệp với khách hàng một cách hiệu quả nhất, đáp ứng được yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Nhiệm vụ chính của nghề bao gồm: Tìm hiểu về môi trường marketing và thị trường; xác định định hướng chiến lược marketing của tổ chức; xây dựng các đề xuất chào hàng cho khách hàng của tổ chức; quản lý và cung ứng các chương trình truyền thông marketing; xây dựng, thực hiện và quản lý các kế hoạch marketing; sử dụng, nghiên cứu và phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng; xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu.
Điều kiện và môi trường làm việc: các hoạt động marketing thương mại được thực hiện ở các tổ chức với điều kiện môi trường làm việc nhiều biến động, có cạnh tranh, có quan hệ giao dịch với các khách hàng khác nhau, có tính chuyên nghiệp.
Khối lượng kiến thức tối thiểu: 2.500 giờ (tương đương 90 tín chỉ).
Căn cứ theo tiểu mục 5 Mục A Chương 6 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
5. Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
- Marketing truyền thống;
- Dịch vụ khách hàng;
- Quản lý nhãn hàng/ngành hàng;
- Thương hiệu;
- Truyền thông;
- Digital Marketing;
- Quản trị marketing truyền thống;
- Quản trị dịch vụ khách hàng;
- Quản trị thương hiệu;
- Quản trị Digital Marketing;
- Quản trị truyền thông.
Như vậy, để có thể làm nghề Digital Marketing, người học có thể chọn ngành Marketing thương mại trình độ cao đẳng.
Học marketing thương mại trình độ cao đẳng cần đảm bảo kỹ năng, kiến thức nào sau khi ra trường?
Căn cứ theo tiểu mục 2 Mục A Chương 6 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Kiến thức
- Trình bày được các mục tiêu chiến lược marketing doanh nghiệp;
- Trình bày được quy trình lập kế hoạch các chương trình: Truyền thông, quảng cáo, tiếp thị, quảng bá thương hiệu…;
- Nhận biết được xu hướng vận động của thị trường;
- Phân tích được tác động của các yếu tố môi trường đến hoạt động marketing của doanh nghiệp;
- Phân tích được ảnh hưởng về hành vi tiêu dùng của khách hàng đối với các chính sách marketing của doanh nghiệp;
- Phân tích được xu thế phản ứng của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp;
- Nhận biết và phân đoạn được các thị trường trọng điểm cho doanh nghiệp;
- Phân biệt được chiến lược marketing cho các nhóm khách hàng khác nhau
- Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.
Căn cứ theo tiểu mục 3 Mục A Chương 6 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 41/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Kỹ năng
- Xây dựng được các chiến lược marketing ngắn hạn, trung hạn và dài hạn;
- Thiết lập và duy trì được chính sách giá của sản phẩm dịch vụ;
- Phân đoạn và lựa chọn được thị trường trọng điểm cho doanh nghiệp;
- Dự đoán được một số phản ứng của người tiêu dùng đối với việc lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp;
- Lập được kế hoạch và thực hiện được các chương trình: Truyền thông, quan hệ công chúng, quảng cáo, tiếp thị, quảng bá thương hiệu…;
- Tổ chức được các hoạt động marketing cho doanh nghiệp;
- Lập được dự toán kinh phí cho các hoạt động marketing;
- Lựa chọn được nhân lực cho hoạt động marketing của doanh nghiệp;
- Thiết lập được các kênh phân phối chào hàng, bán hàng và đề xuất các phương pháp cải tiến sản phẩm dịch vụ;
- Tổ chức được các chương trình huấn luyện - đào tạo đội ngũ nhân viên marketing;
- Ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào hoạt động marketing;
- Đánh giá được hoạt động marketing của doanh nghiệp và đưa ra được những tư vấn hợp lý cho lãnh đạo doanh nghiệp;
- Sử dụng thành thạo các công cụ truyền thông thông dụng;
- Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; khai thác, xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn của ngành, nghề;
- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.
Như vậy, sau khi học marketing thương mại trình độ cao đẳng cần đảm bảo nắm vững kiến thức, trang bị kỹ năng nêu trên nếu muốn đảm nhận vị trí Digital Marketing tại doanh nghiệp, tổ chức.