Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày nào? Người lao động được nghỉ tối đa mấy ngày vào lễ Quốc khánh năm 2023?
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày nào?
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ để kỷ niệm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức nước Việt Nam hiện đại.
Ngày Quốc khánh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ngày 2 tháng 9 năm 1945 hằng năm.
Đồng thời tại Điều 13 Hiến pháp 2013 cũng đã khẳng định rõ:
Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.
Ngày Quốc khánh Việt Nam là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng tự hào, yêu nước và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngày Quốc khánh Việt Nam cũng là dịp để người Việt Nam thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng và phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phát triển và hòa bình.
Trong ngày Quốc khánh Việt Nam, người Việt Nam thường có những hoạt động như: cắm cờ, hát quốc ca, xem pháo hoa, xem diễu hành, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch... Người Việt Nam cũng thường trang trí nhà cửa, công sở, đường phố bằng cờ, hoa, băng rôn màu đỏ sao vàng - biểu tượng của quốc kỳ Việt Nam.
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày nào? Người lao động được nghỉ tối đa mấy ngày vào lễ Quốc khánh năm 2023? (Hình từ Internet)
Người lao động được nghỉ tối đa mấy ngày vào lễ Quốc khánh năm 2023?
Căn cứ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
...
Theo quy định trên, người lao động sẽ được nghỉ làm việc 02 ngày vào lễ Quốc khánh (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).
Tuy nhiên, năm 2023 thì lễ Quốc khánh 2/9 sẽ rơi vào ngày thứ 7 của tuần, do đó số ngày nghỉ của người lao động sẽ được quy định như sau:
Trường hợp 01: Người lao động không phải làm việc vào thứ 7 của tuần
- Nghỉ ngày 2/9 và 01 ngày trước đó (tức thứ 6 và thứ 7) thì được nghỉ 01 ngày nghỉ hằng tuần (chủ nhật) và nghỉ bù 01 ngày vào thứ 2 tuần liền kề.
- Nghỉ ngày 2/9 và 01 ngày sau đó (tức thứ 7 và chủ nhật) thì sẽ được nghỉ bù 02 ngày vào thứ 2 và thứ 3 tuần liền kề.
Trường hợp 02: Người lao động phải làm việc vào thứ 7 của tuần
- Nghỉ ngày 2/9 và 01 ngày trước đó (tức thứ 6 và thứ 7) và nghỉ 01 ngày nghỉ hằng tuần (chủ nhật).
- Nghỉ ngày 2/9 và 01 ngày sau đó (tức thứ 7 và chủ nhật) thì sẽ được nghỉ bù 01 ngày vào thứ 2 của tuần liền kề.
Như vậy, năm 2023 người lao động có thể được nghỉ tối đa 04 ngày vào lễ Quốc khánh nếu không phải làm việc vào ngày thứ 7 hằng tuần.
Kéo dài kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (02/9) năm 2023 bằng cách nào?
Lễ Quốc khánh năm 2023, người lao động có thể được nghỉ lên tới 04 ngày. Tuy nhiên, người lao động cũng có thể nghỉ nhiều hơn 4 ngày nếu thực hiện một trong hai cách như sau:
Cách 1: Sử dụng ngày nghỉ hằng năm
Căn cứ khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
...
Theo quy định, khi người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm từ 12 - 16 ngày tùy vào công việc và thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương.
Và theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 có quy định nếu làm lâu năm thì người lao động còn được cộng phép thâm niên (cứ đủ 05 năm làm việc tính thêm 01 ngày phép).
Như vậy, trong trường hợp người lao động chưa nghỉ phép năm thì người lao động có thể xin nghỉ phép tương ứng với số ngày được nghỉ phép (trước kỳ nghỉ lễ hoặc sau kỳ nghỉ lễ) và được nghỉ có hưởng lương.
Cách 2: Xin nghỉ phép không hưởng lương
Căn cứ Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, người lao động có thể chủ động xin nghỉ không lương để kéo dài kỳ nghỉ lễ. Nhưng phải nhận được sự chấp thuận từ phía người sử dụng lao động và thời gian xin nghỉ sẽ không được hưởng lương.