Ngày Phụ nữ Việt Nam có nguồn gốc từ đâu? Lao động nữ có được công ty tặng quà vào ngày này không?
Ngày Phụ nữ Việt Nam có nguồn gốc từ đâu?
Từ năm 1927 nhiều tổ chức quần chúng nữ bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo nhiều chị em phụ nữ tham gia. Các chị em đã dần khẳng định vai trò và vị trí của mình trong xã hội từ: các nhóm tuyên truyền, các tổ học nghề, các cuộc đấu tranh với hàng ngàn chị em phụ nữ tham gia,...
Vai trò quan trọng của chị em phụ nữ đã được khẳng định trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng “Nam nữ bình quyền” vào ngày 3/2/1930. Bởi lúc này Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày phụ nữ Việt Nam".
Năm 2024, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10 sẽ rơi vào ngày cuối tuần, Chủ nhật. Đây là ngày kỷ niệm 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mọi người thường quen gọi là Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Ngày Phụ nữ Việt Nam có nguồn gốc từ đâu? Lao động nữ có được công ty tặng quà vào ngày này không?
Lao động nữ có được công ty tặng quà vào ngày này không?
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động, cụ thể như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
a) Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
b) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;
d) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Theo đó, công ty không có nghĩa vụ phải tặng quà cho lao động nữ vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10.
Tuy nhiên tại khoản 2.5 Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 4290/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định:
Chi tài chính tại công đoàn cơ sở
...
2.4. Chi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao.
- Chi hỗ trợ hoạt động phong trào xây dựng đơn vị văn hóa; phòng chống tệ nạn xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động; chi hỗ trợ cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; chi khen thưởng tổng kết hoạt động văn hóa, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội của công đoàn cơ sở.
- Chi hỗ trợ mua sắm phương tiện hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
- Chi bồi dưỡng cho Ban tổ chức, vận động viên, diễn viên tham gia hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao do công đoàn cơ sở và công đoàn các cấp trên cơ sở tổ chức; chi khen thưởng tập thể, cá nhân đạt giải trong các cuộc hội diễn, hội thao do công đoàn cơ sở tổ chức.
2.5. Chi tuyên truyền các hoạt động về giới và bình đẳng giới.
- Chi cho các hoạt động tuyên truyền về giới, bình đẳng giới và lồng ghép giới các hoạt động về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.
- Chi hỗ trợ mua đồ dùng, thiết bị mẫu giáo, nhà trẻ tại đơn vị (nếu có); hỗ trợ đoàn viên và người lao động có con gửi nhà trẻ, học mẫu giáo.
- Chi tuyên truyền, tổ chức hoạt động nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Dân số 26/12.
- Chi hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, Câu lạc bộ nữ công cơ sở, hội thi cán bộ nữ công giỏi, hội thi chuyên đề nữ công, phong trào thi đua giỏi việc nước đảm việc nhà.
2.6. Chi đại hội công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, bao gồm: trang trí, khánh tiết, in tài liệu, bồi dưỡng đại biểu, nước uống, các hội nghị...
...
Theo đó, dựa vào tình hình tài chính, công đoàn có thể tặng quà cho đoàn viên công đoàn và lao động nữ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ để đảm bảo bình đẳng giới là gì?
Căn cứ tại Điều 136 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ để đảm bảo bình đẳng giới là:
- Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
- Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.
- Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.