Ngày 3/2 được coi là Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi nào? Chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBCCVC là đảng viên trong giai đoạn mới là gì?
Ngày 3/2 được coi là Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi nào?
Căn cứ theo tiểu mục 3 Mục 1 Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2025) TẠI ĐÂY quy định như sau:
I. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI LÀ BƯỚC NGOẶT VĨ ĐẠI TRONG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
...
3. Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
...
- Từ ngày 06 tháng 01 đến ngày 07 tháng 02 năm 1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Trong Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình, “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9 năm 1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, ngày 3/2 được coi là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời dưới sự sáng lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) cùng các đồng chí lãnh đạo cách mạng. Đây là mốc son lịch sử quan trọng trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (9 năm 1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho đến nay (năm 2025) là kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 3/2 được coi là Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi nào? Chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBCCVC là đảng viên trong giai đoạn mới là gì? (Hình từ Internet)
Chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBCCVC là đảng viên trong giai đoạn mới là gì?
Ban chấp hành Trung ương ban hành Quy định 144-QĐ/TW năm 2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Theo đó, có 05 chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBCCVC là đảng viên trong giai đoạn mới theo Quy định 144, bao gồm:
(1) Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc
(2) Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập
(3) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
(4) Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm
(5) Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời
Chuẩn mực đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm của đảng viên như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Quy định 144-QĐ/TW năm 2024 quy định như sau:
- Luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong Nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.
- Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức.
- Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ.
- Nêu cao trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội.