Ngày 10 tháng 10 là ngày gì? Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào ngày 10 tháng 10 năm 2024 không?
Ngày 10 tháng 10 là ngày gì?
Theo Điều 1 Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2013 quy định thì lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là “Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam”.
- Ý nghĩa của Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam:
+ Tôn vinh nghề luật sư: Ngày này nhằm tôn vinh vai trò quan trọng của ngành luật sư và những đóng góp xuất sắc của họ trong xã hội.
+ Ghi nhận công lao: Đây là dịp để ghi nhận và tri ân những nỗ lực của các luật sư trong việc bảo vệ công lý, quyền con người và lợi ích hợp pháp của công dân.
+ Khuyến khích phát triển: Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam cũng là cơ hội để khuyến khích các luật sư tiếp tục phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
- Ngoài những ý nghĩa và hoạt động đã đề cập, Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam còn có một số điểm nổi bật khác:
+ Hội thảo và tọa đàm: Nhiều hội thảo và tọa đàm chuyên đề được tổ chức để các luật sư trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức pháp luật và thảo luận về các vấn đề pháp lý mới.
+ Lễ vinh danh: Các luật sư có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và đóng góp tích cực cho xã hội thường được vinh danh và khen thưởng.
+ Hoạt động xã hội: Nhiều hoạt động từ thiện, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân cũng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ cộng đồng.
Thông tin mang tính chất tham khảo
Ngày 10 tháng 10 là ngày gì? Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào ngày 10 tháng 10 năm 2024 không? (Hình từ Internet)
Người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương vào ngày 10 tháng 10 năm 2024 không?
Theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 06 dịp lễ, tết trong năm là:
- Tết Dương lịch;
- Tết Âm lịch;
- Ngày Chiến thắng;
- Ngày Quốc tế lao động;
- Quốc khánh;
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Như vậy, ngày 10 tháng 10 năm 2024 hay Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam không phải ngày nghỉ lễ do Nhà nước quy định do đó người lao động sẽ không được nghỉ nếu như không trùng với ngày nghỉ hằng tuần.
Tuy nhiên, người lao động nếu có nhu cầu nghỉ vào ngày 10 tháng 10 năm 2024 thì có thể làm đơn xin nghỉ hưởng lương hoặc nghỉ không hưởng lương theo các trường hợp quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Người lao động được tính tiền làm việc vào ban ngày các ngày nghỉ lễ như thế nào?
(1) Đối với người lao động hưởng lương theo tháng, tuần, giờ:
Căn cứ khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
Trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hưởng lương theo tháng, tuần, giờ thì vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ được nhận lương mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
(2) Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm
Trong đó:
Người lao động được hưởng mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.