Ngành công nghệ sinh học hệ cao đẳng và cơ hội việc làm sau khi ra trường?
Thế nào là ngành công nghệ sinh học hệ cao đẳng?
Căn cứ theo tiểu mục 1 Mục A Chương 12 Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ngành/nghề: công nghệ sinh học (sau đây gọi tắt là Quy định) ban hành kèm theo Thông tư 45/2018/TT-BLĐTBXH như sau:
1. Giới thiệu chung về ngành, nghề
Công nghệ sinh học trình độ cao đẳng là ngành, nghề ứng dụng công nghệ dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với các quy trình và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động, thực vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp tạo ra các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ đời sống của con người, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Các sản phẩm của ngành công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong đời sống của con người như: Vacxin, kháng sinh, các sản phẩm dùng trong y khoa, thực phẩm lên men, các hoạt chất sinh học, thực phẩm chức năng, giống cây trồng - vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật…
Người tốt nghiệp nghề công nghệ sinh học trình độ cao đẳng có thể thực hiện các công việc tại phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất, để tiến hành các thí nghiệm khoa học - kỹ thuật trong phân tích, xét nghiệm, sản xuất tạo các sản phẩm liên quan đến công nghệ sinh học như:
- Tiến hành các thí nghiệm cơ bản, chuyên biệt, phức tạp; trong đó các thí nghiệm có thể được thực hiện trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất chế phẩm vi sinh, thực phẩm lên men, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nhân giống cây trồng…;
- Thu thập thông tin, yêu cầu của thí nghiệm và có thể làm việc với các bên liên quan (nhân viên phòng thí nghiệm, khách hàng hoặc nhà cung cấp) để giải quyết các sản phẩm không phù hợp;
Khối lượng kiến thức tối thiểu: 2.500 giờ (tương đương 80 tín chỉ).
Như vậy ngành công nghệ sinh học trình độ cao đẳng được pháp luật giới thiệu là ngành ứng dụng công nghệ dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với các quy trình và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động, thực vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp tạo ra các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ đời sống của con người, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Sau đại dịch Covid 19 vừa qua thì cơ hội việc làm của ngành nghề này đang được mở rộng và cần nguồn nhân lực lớn.
Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học hệ cao đẳng (Hình từ Internet)
Kỹ năng cần có sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học hệ cao đẳng là gì?
Căn cứ theo tiểu mục 3 Mục A Chương 12 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 45/2018/TT-BLĐTBXH như sau:
3. Kỹ năng
- Vận dụng được lý thuyết cơ sở của sinh học thực nghiệm để ứng dụng vào sản xuất thực phẩm lên men, chế phẩm vi sinh, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nhân giống thực vật…;
- Sử dụng được các phần mềm chuyên dụng trong công nghệ sinh học để thu thập, phân tích và xử lý số liệu khoa học;
- Vận dụng được các kỹ thuật công nghệ cao vào các thí nghiệm phân tích: Kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật điện di, kỹ thuật sắc ký, kỹ thuật quang phổ, quản lý môi trường…;
- Lập được kế hoạch thực hiện công việc tại nơi làm việc;
- Chuẩn bị nguyên liệu, vật tư, dụng cụ, thiết bị và môi trường làm việc an toàn, hiệu quả;
- Thực hiện được các quy trình sinh học thực nghiệm để ứng dụng vào sản xuất sản phẩm lên men, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nhân giống thực vật, chế phẩm vi sinh…;
- Thực hiện được các quy trình thực hành chuẩn: kỹ thuật vô trùng, sử dụng kính hiển vi, thí nghiệm sinh học, thí nghiệm hóa học, thí nghiệm sinh học phân tử, thí nghiệm kiểm tra thực phẩm, phân tích thông số môi trường; thực hiện quy trình nhân giống thực vật, quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh, sản phẩm lên men, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao… và kiểm soát chất lượng sản phẩm;
- Vận hành, bảo dưỡng thiết bị, dụng cụ sử dụng trong các quy trình thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học;
- Thực hiện đúng các quy định về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, an toàn sinh học;
- Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; khai thác, xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn của ngành, nghề;
- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.
Như vậy, người học ngành công nghệ sinh học hệ cao đẳng sau khi ra trường nếu muốn mở rộng cơ hội việc làm, đáp ứng được các vị trí việc làm thì ngoài có các kiến thức cần trang bị đầy đủ các kỹ năng cơ bản như trên.
Ngành công nghệ sinh học hệ cao đẳng và cơ hội việc làm sau khi ra trường?
Căn cứ theo tiểu mục 5 Mục A Chương 12 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 45/2018/TT-BLĐTBXH như sau:
5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
- Phân tích, xét nghiệm các chỉ tiêu sinh học, hóa học, vi sinh...;
- Nhân giống cây trồng, sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao, nuôi trồng nấm;
- Sản xuất sản phẩm lên men, sản xuất chế phẩm vi sinh...;
- Công nghệ tế bào, gen…;
Theo quy định trên thì sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học hệ cao đẳng, người học nếu đáp ứng được năng lực vị trí việc làm có thể đảm nhận các vị trí như: phân tích xét nghiệm hoá học, vi sinh, nhân giống cây trồng, sản xuất chế phẩm vi sinh, công nghệ tế bào, gen,...tại phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất, để tiến hành các thí nghiệm khoa học - kỹ thuật trong phân tích, xét nghiệm, sản xuất tạo các sản phẩm liên quan đến công nghệ sinh học