Năm 2023, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam thông qua những hoạt động nào?
Chủ đề của Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2023 là gì?
Theo hướng dẫn tại Công văn 2671/LĐTBXH-TCGDNN năm 2023 về việc hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2023, chủ đề của Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2023 “Nâng tầm kỹ năng cho nhà giáo, người dạy nghề và thanh niên vì một tương lai chuyển đổi” - “Skilling teachers, trainers and youth for a transformative future”.
Đây là chủ đề đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) lựa chọn để tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Kỹ năng Thanh niên thế giới năm nay.
Chủ đề này nhấn mạnh vai trò thiết yếu của nhà giáo, người dạy nghề và các nhà giáo dục khác trong việc trang bị kỹ năng cho thanh niên để chuyển sang thị trường lao động và tham gia tích cực vào hoạt động cộng đồng và xã hội.
Thông điệp của UNESCO về ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm nay là “chúng ta hãy cùng định hình một tương lại tươi sáng hơn để thanh niên không bị bỏ lại ở phía sau".
Năm 2023, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam thông qua những hoạt động nào? (Hình từ Internet)
Năm 2023, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam thông qua những hoạt động nào?
Theo hướng dẫn tại Công văn 2671/LĐTBXH-TCGDNN năm 2023 về việc hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2023, để thiết thực kỷ niệm ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các tổ chức thành viên; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai tới cộng đồng doanh nghiệp;
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn có các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả nhằm hưởng ứng sự kiện này bám sát theo chủ đề "Nâng tầm kỹ năng cho nhà giáo, người dạy nghề và thanh niên vì một tương lai chuyển đổi” với một số hoạt động cụ thể như sau:
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm... về đào tạo và phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên trong tình hình mới hiện nay.
- Xây dựng, đăng tải tin, bài, phóng sự, phim tài liệu... tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có một số nội dung sau:
+ Tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của ngày Kỹ năng thanh niên thế giới; vị trí, vai trò của lao động kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng lao động, các hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.
+ Tuyên truyền về sự phối hợp giữa Nhà nước - cộng đồng doanh nghiệp - các cơ sở giáo dục - người lao động và xã hội trong việc nâng tầm kỹ năng cho lao động trẻ Việt Nam.
+ Tuyên truyền việc thực hiện đa dạng hóa các chương trình đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo; tạo điều kiện cho công dân, đặc biệt là thanh niên tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng lao động để gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và thực hiện học tập suốt đời, phát triển sự nghiệp.
+ Lồng ghép các hoạt động chuyên môn với việc tuyên truyền về phát triển kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp, lồng ghép tuyên truyền về pháp luật Lao động về giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, pháp luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, trong đó tập trung về Chỉ thị số 21-CT/TW năm 2023, Nghị quyết 06/NQ-CP năm 2023 và Quyết định 2239/QĐ- TTg năm 2021.
- Phát động phong trào “Thi đua học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng nghề trong người lao động thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động”. Đồng thời, phát hiện và kịp thời biểu dương, khen thưởng, vinh danh cá nhân, tập thể có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên.
Hoạt động phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu gì?
Tại Mục II Điều 1 Quyết định ban hành kèm theo Quyết định 2239/QĐ-TTg năm 2021 có quy định như sau:
MỤC TIÊU
...
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2025
Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Một số chỉ tiêu chủ yếu:
- Thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.
- Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.
- Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%.
- Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%.
- Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%.
- Ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
- Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.
- Phấn đấu khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.
- Phấn đấu có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó: 03 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 06 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 05 -10 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4.
b) Đến năm 2030
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.
Một số chỉ tiêu chủ yếu:
- Thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.
- Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động.
- Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 50%.
- Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 40%.
- Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.
- Ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
- Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.
- Phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.
- Phấn đấu có khoảng 90 trường chất lượng cao, trong đó: 06 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 12 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 60 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 06 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 15 - 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.
...
Như vậy, hoạt động phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam nhằm mục đích phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn với từng mục tiêu cụ thể theo quy định nêu trên.