Năm 2023 kỷ luật 17.808 công chức viên chức, cụ thể như thế nào?
Năm 2023 kỷ luật 17.808 công chức viên chức, cụ thể như thế nào?
Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2023 (từ 1/1 - 15/12/2023), tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người.
Cũng trong thời gian này số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người. Trong đó: Trung ương 983 người, gồm 110 công chức, 873 viên chức; địa phương là 9.897 người, gồm 866 công chức và 9.031 viên chức.
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó có nhiều nội dung đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh phân cấp và cải cách thủ tục hành chính trong các khâu tuyển dụng, nâng ngạch công chức, xét thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa các quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đổi mới công vụ, công chức.
Bộ Nội vụ cũng tiếp tục hoàn thiện quy định, cơ chế để sàng lọc, thay thế kịp thời những người thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế…
Đặc biệt, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo cơ sở quan trọng để khắc phục tình trạng không ít cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm khiến công việc nhiều nơi bị trì trệ, gây ách tắc.
Qua đó, tạo thêm động lực để cán bộ, công chức tự tin, bản lĩnh hơn khi đương đầu với khó khăn, thử thách trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Đến nay, đã có nhiều địa phương ban hành văn bản triển khai Nghị định số 73, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Bình Phước, Hải Dương, Quảng Nam.
Xem chi tiết: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/gan-11000-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-thoi-viec-nghi-viec-ky-luat-17808-nguoi-119231220094345266.htm
Năm 2023 kỷ luật 17.808 công chức viên chức, cụ thể như thế nào?
Năm 2024 cán bộ, công chức, viên chức nào bị tinh giản biên chế?
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế
1. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;
b) Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
c) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
d) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
đ) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
e) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
g) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
h) Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, chính sách tinh giản biên chế chỉ áp dụng cho 3 đối tượng nêu trên gồm:
1. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ.
2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
Cách xác định tiền lương để tính trợ cấp khi tinh giản biên chế như thế nào?
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế bao gồm tiền lương hiện hưởng và tiền lương bình quân được xác định như sau:
- Tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế. Tiền lương tháng được tính bao gồm:
+ Mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận của hợp đồng lao động hoặc mức lương của người quản lý công ty;
+ Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương;
- Tiền lương bình quân là tiền lương tháng bình quân của 05 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản biên chế.
Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 05 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác có đóng bảo hiểm xã hội, thì tiền lương tháng bình quân của toàn bộ thời gian công tác.