Năm nay, giáo viên hợp đồng có được đặc cách vào biên chế?
Biên chế giáo viên là gì?
Theo Điều 2 Luật Viên chức 2010, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Không giống cán bộ, công chức có chế độ biên chế mà viên chức nói chung và giáo viên nói riêng không có chế độ biên chế. Việc gọi biên chế giáo viên chỉ là cách để mọi người gọi giáo viên là viên chức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, trước đây chỉ có khoản 2 Điều 2 Nghị định 71/2003/NĐ-CP có đề cập đến biên chế sự nghiệp:
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Biên chế sự nghiệp là số người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước về giáo dục và đào tạo, khoa học, y tế, văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao và các đơn vị sự nghiệp khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc để thực hiện một số dịch vụ công của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay, văn bản này đã hết hiệu lực và văn bản thay thế không còn đề cập đến vấn đề này nữa.
Do đó, căn cứ các quy định trên, có thể hiểu biên chế của giáo viên là chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được ký kết giữa giáo viên là viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt, theo quy định hiện nay, không phải giáo viên là viên chức nào cũng được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Đồng nghĩa, không phải giáo viên nào cũng được hưởng “biên chế suốt đời”.
Năm 2023, giáo viên hợp đồng có được đặc cách vào biên chế? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào giáo viên được hưởng biên chế suốt đời?
Theo khoản 2 Điều 25 Luật viên chức 2010, được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định rõ 3 trường hợp vẫn được ký hợp đồng dài hạn, tức là vẫn được hưởng chính sách “viên chức suốt đời”.
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;
- Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật viên chức 2010 được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, giáo viên đã được tuyển dụng trước 1.7.2020 vẫn sẽ được hưởng “viên chức suốt đời”. Ngoài ra, những giáo viên tuyển dụng sau 1.7.2020 nhưng công tác ở các vùng khó khăn cũng vẫn được hưởng chính sách này.
Còn giáo viên mới được tuyển dụng từ ngày 1.7.2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Như vậy, sẽ không còn chế độ biên chế với những giáo viên này, sự ổn định suốt đời đã không còn nữa.
Quy định xét đặc cách giáo viên vào biên chế?
Điều kiện để được xét tuyển đặc cách viên chức là giáo viên
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì giáo viên hợp đồng có thể được xét đặc cách vào viên chức ngành giáo dục (không qua thi tuyển) khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Tiếp nhận vào làm viên chức
1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp sau:
a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc các đối tượng quy định tại khoản này), gồm:
Người đang là cán bộ, công chức cấp xã;
Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật;
Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
Người đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
Người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
b) Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống.
c) Người đã từng là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Căn cứ vào theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận giáo viên hợp đồng vào viên chức không qua thi tuyển.
Như đã đề cập, từ ngày 1/7/2020 sẽ không còn tuyển giáo viên vào biên chế nhà nước trừ 03 trường hợp ngoại lệ.
Vì vậy, năm 2024, giáo viên hợp đồng muốn được xét vào biên chế nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Đủ điều kiện để được xét tuyển đặc cách viên chức theo quy định tại Điều 13 Nghị định 115/2020/NĐ-CP
- Giáo viên được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc giáo viên là viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020;
- Trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.