Mức lương tối thiểu vùng mới nhất tác động như thế nào đến lương hưu của người lao động?
Mức lương tối thiểu vùng mới nhất tác động như thế nào đến lương hưu của người lao động?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng như sau:
- Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng;
- Vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng;
- Vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng;
- Vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP chỉ áp dụng từ 1/72023 đến 1/7/2024.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng mới được quy định tại Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/7/2024) như sau:
- Vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng;
- Vùng 2 là 4.410.000đồng/tháng;
- Vùng 3 là 3.860.000đồng/tháng;
- Vùng 4 là 3.450.000đồng/tháng.
Do đó, từ 1/7/2024 mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như trên. So với trước thì mức lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 tăng 6%.
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
Mức lương hưu hằng tháng tại Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
...
Theo đó, mức lương hưu người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo công thức:
Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
Có thể thấy, lương hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương đóng hằng tháng.
Khi tăng mức lương tối thiểu vùng có thể làm tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới nhất theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP có thể sẽ làm tăng tiền lương tháng của người lao động nếu lương của người lao động đang hưởng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Khi đó sẽ làm tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động dẫn đến lương hưu hằng tháng tăng.
Trường hợp lương của người lao động đang hưởng cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động không thay đổi.
Mức lương tối thiểu vùng mới nhất tác động như thế nào đến lương hưu của người lao động? (Hình từ Internet)
Tỷ lệ lương hưu tối đa của người lao động hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
...
Như vậy, tỷ lệ lương hưu tối đa của người lao động hiện nay là 75%.
Lương hưu của người lao động được tăng 15% dựa vào mức lương hưu hiện hưởng đúng không?
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Thời điểm và mức điều chỉnh
1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, sau khi điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
3. Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại Điều này là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Theo đó, từ 1/7/2024 thì lương hưu của người lao động được tăng 15% dựa vào mức lương hưu hiện hưởng, tức là mức lương hưu tháng 6/2024.