Mức lương thấp nhất khi trả lương cho người lao động được quy định như thế nào?
Khi giao kết hợp đồng có phải cung cấp thông tin về tiền lương cho người lao động biết hay không?
Tại Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động như sau:
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Theo đó, khi giao kết hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực về tiền lương cho người lao động.
Mức lương thấp nhất khi trả lương cho người lao động được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Mức lương thấp nhất khi trả lương cho người lao động được quy định như thế nào?
Tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc trả lương cho người lao động như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Theo đó, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động theo công việc hoặc theo chức danh thì không được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Các khoản phụ cấp lương và khoản bổ sung khác sẽ do các bên tự thỏa thuận chứ không bắt buộc phải có.
Do vậy, mức lương thấp nhất trả lương cho người lao động phải bằng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Doanh nghiệp phá sản thì có phải thanh toán tiền lương cho người lao động?
Tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
...
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Đồng thời, tại Điều 54 Luật Phá sản 2014 quy định thứ tự phân chia tài sản, cụ thể như sau:
Thứ tự phân chia tài sản
1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;
c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;
đ) Thành viên của Công ty hợp danh.
3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Như vậy, tài sản của doanh nghiệp sẽ được lập danh sách kiểm kê và phân chia theo thứ tự quy định nêu trên. Trường hợp doanh nghiệp còn tài sản để trả cho người lao động thì người lao động sẽ được nhận lại tiền lương và các khoản chi phí khác.