Mức lương hưu thấp nhất từ 1/7/2024 có còn bằng lương cơ sở không?
Mức lương hưu thấp nhất từ 1/7/2024 có còn bằng lương cơ sở không?
Căn cứ khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
...
5. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.
...
Theo đó, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu là bằng mức lương cơ sở.
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì hiện nay mức lương cơ sở đang được áp dụng là 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, mức lương hưu thấp nhất hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng.
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, từ 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, việc bãi bỏ mức lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.
Như vậy, từ 1/7/2024 mức lương cơ sở bị bãi bỏ sẽ dẫn đến sự thay đổi trong việc xác định mức lương hưu thấp nhất. Do đó, mức lương hưu thấp nhất có thể được thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế và quyền lợi của người dân, không để người hưởng lương hưu bị thiệt thòi.
Xem thêm: Toàn bộ 05 bảng lương theo vị trí việc làm từ 1/7/2024 được nâng bậc lương ra sao?
Mức lương hưu thấp nhất từ 1/7/2024 có còn bằng lương cơ sở không? (Hình từ Internet)
Tại sao bãi bỏ lương cơ sở từ 1/7/2024?
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, mức lương cơ sở và hệ số lương đang áp dụng cũng bị bãi bỏ mà thay bằng số tiền cụ thể. Riêng người làm công việc thừa hành, phục vụ thì áp dụng lương theo chế độ hợp đồng lao động.
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cho rằng chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Việc quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Do đó, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương được xem là cần thiết khi thiết kế bảng lương mới.
Điều kiện để công chức, viên chức được hưởng lương hưu là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 60 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì công chức được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Viên chức 2010 thì viên chức được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
(1) Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc làm việc trong điều kiện lao động bình thường
Theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) thì năm 2024 điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:
- Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đối với lao động nam từ đủ 61 tuổi và lao động nữ từ đủ 56 tuổi 4 tháng.
(2) Trường hợp là công chức cấp xã
Tham gia BHXH theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) khi nghỉ việc đáp ứng điều kiện:
- Có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH;
- Đủ 56 tuổi 4 tháng.
Như vậy, cũng như lao động nam, lao động nữ khi đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến 20 năm (tùy trường hợp) thì được hưởng lương hưu theo quy định.
Cơ quan nào thực hiện chi trả lương hưu?
Căn cứ tại Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Cơ quan bảo hiểm xã hội
1. Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.
2. Chính phủ quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ là nơi chi trả lương hưu cho những đối tượng được hưởng lương hưu.