Mức lương cao nhất của công chức cấp xã trước và sau khi cải cách tiền lương là bao nhiêu?
Mức lương cao nhất của công chức cấp xã trước và sau khi cải cách tiền lương là bao nhiêu?
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, từ ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương.
Vì vậy, trước thời điểm này, tiền lương của công chức cấp xã vẫn tính theo quy định hiện hành, dựa trên lương cơ sở và hệ số lương (Thông tư 10/2023/TT-BNV).
Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã
1. Cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định này được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng.
...
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 4 Điều 7, khoản 4 Điều 8, khoản 4 Điều 9 Thông tư 02/2021/TT-BNV, hiện nay công chức cấp xã được xếp lương như công chức hành chính, cụ thể đó là:
- Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên xếp lương theo ngạch chuyên viên;
- Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cao đẳng xếp lương theo ngạch cán sự;
- Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp xếp lương theo ngạch nhân viên;
Đồng thời, lương công chức hành chính sẽ được tính theo công thức dưới đây:
Tiền lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở
Trong đó, hệ số lương của công chức hành chính như sau:
- Ngạch chuyên viên: Có hệ số lương từ 2,34 - 4,98;
- Ngạch cán sự: Có hệ số lương từ 2,1 - 4,89;
- Ngạch nhân viên: Có hệ số lương từ 1,86 - 4,06.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
Do đó, mức lương cao nhất của công chức cấp xã hiện nay là công chức xếp lương theo ngạch chuyên viên có hệ số lương là 4,98 tương đương với tiền lương có thể nhận là 8.964.000 đồng (chưa bao gồm phụ cấp).
Sau cải cách tiền lương, từ ngày 01/7/2024, căn cứ theo tiểu mục 3.1 Mục 3 Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định như sau:
Nội dung cải cách
...
3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
a) Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
b) Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:
...
Theo quy định này, thiết kế cơ cấu lương mới, bao gồm:
Tiền lương = Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% tổng quỹ lương).
Ngoài ra, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Đồng thời hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng và ban hành để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, chuyển xếp lương cũ sang lương mới và bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Có thể thấy, sau cải cách tiền lương, mức lương cao nhất của công chức cấp xã có thể sẽ cao hơn so với mức lương cao nhất hiện nay theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Mức lương cao nhất cụ thể bao nhiêu sẽ phải căn cứ vào bảng lương cụ thể.
Lưu ý: Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có chi tiết bảng lương mới áp dụng cho công chức cấp xã từ ngày 01/7/2024.
Mức lương cao nhất của công chức cấp xã trước và sau khi cải cách tiền lương là bao nhiêu?
Hiện nay công chức cấp xã bao gồm những chức danh nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về chức vụ, chức danh như sau:
Chức vụ, chức danh
...
2. Công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này có các chức danh sau đây:
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự;
b) Văn phòng - thống kê;
c) Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);
d) Tài chính - kế toán;
đ) Tư pháp - hộ tịch;
e) Văn hóa - xã hội.
Theo quy định này, Hiện nay công chức cấp xã bao gồm 06 chức danh dưới đây:
- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự;
- Văn phòng - thống kê;
- Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);
- Tài chính - kế toán;
- Tư pháp - hộ tịch;
- Văn hóa - xã hội.
Độ tuổi nghỉ hưu của công chức cấp xã trong điều kiện lao động bình thường trong năm 2024?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì công chức cấp xã được nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:
Tuổi nghỉ hưu
...
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
...
Theo đó, độ tuổi nghỉ hưu của công chức cấp xã trong điều kiện lao động bình thường trong năm 2024 cụ thể đó là:
- Đối với công chức cấp xã là nam: 61 tuổi.
- Đối với công chức cấp xã là nữ: 56 tuổi 4 tháng.