Mức hưởng trợ cấp ốm đau được tính trên căn cứ nào?
Mức hưởng trợ cấp ốm đau được tính trên căn cứ nào?
Căn cứ tại Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Trợ cấp ốm đau
1. Mức hưởng trợ cấp ốm đau được tính theo tháng và tính trên căn cứ sau đây:
a) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau;
b) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng đầu tiên tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tháng tham gia trở lại nếu phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên tham gia hoặc tháng tham gia trở lại.
2. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 và Điều 44 của Luật này bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật này được tính như sau:
a) Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên;
b) Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
c) Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm.
4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau của người lao động quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật này bằng 100% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày.
Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày.
6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về ngày làm việc; quy định việc tính, việc xác định điều kiện đối với từng trường hợp để giải quyết chế độ ốm đau.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp ốm đau được tính theo tháng và tính trên căn cứ sau đây:
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau;
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng đầu tiên tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tháng tham gia trở lại nếu phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên tham gia hoặc tháng tham gia trở lại.
Mức hưởng trợ cấp ốm đau được tính trên căn cứ nào?
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động điều trị ngoại trú gồm những gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau
1. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú là bản chính hoặc bản sao của một trong các giấy tờ sau đây:
a) Giấy ra viện;
b) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án;
c) Giấy tờ khác chứng minh quá trình điều trị nội trú.
2. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú là một trong các giấy tờ sau đây:
a) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;
b) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú;
c) Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú.
...
Theo đó, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động điều trị ngoại trú là một trong các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội;
- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú;
- Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có ghi chỉ định thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú.
Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp ốm đau trong thời hạn bao lâu?
Căn cứ tại Điều 48 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Giải quyết hưởng trợ cấp ốm đau
1. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 47 của Luật này cho người sử dụng lao động. Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau kèm theo hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo đó, thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp ốm đau là chậm nhất 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.