Mức hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như thế nào?
Mức hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC về mức chi hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
(1) Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết
- Đào tạo nghề:
+ Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế
+ Tối đa là 03 triệu đồng/người/khóa học đối với người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ
+ Tối đa là 03 triệu đồng/người/khóa học đối với người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.
+ Tối đa là 2,5 triệu đồng/người/khóa học đối với người thuộc hộ cận nghèo.
- Đào tạo ngoại ngữ:
+ Theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế
+ Tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học
- Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: theo chi phí thực tế, tối đa 530.000 đồng/người/khóa học;
- Tiền ăn trong thời gian đào tạo: mức 40.000 đồng/người/ngày;
- Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi cư trú hợp pháp đến địa Điểm đào tạo:
+ Mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa Điểm đào tạo từ 15 km trở lên;
+ Mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa Điểm đào tạo từ 10 km trở lên;
- Người lao động thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP được hỗ trợ thêm tiền ở trong thời gian đào tạo và tiền trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu:
+ Tiền ở: mức 200.000 đồng/người tháng;
+ Tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) mức 400.000 đồng/người.
(2) Hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài
- Lệ phí làm hộ chiếu:
+ Cấp mới: 200.000 đồng/lần cấp
+ Cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 400.000 đồng/lần cấp
+ Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự: 100.000 đồng/lần cấp
- Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp:
+ Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người
+ Lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ: 100.000 đồng/lần/người
- Lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động;
- Chi phí khám sức khỏe:
+ Theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được phép thực hiện khám sức khỏe đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
+ Mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người.
(3) Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài
Người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro được hỗ trợ giải quyết rủi ro theo Quyết định 40/2021/QĐ-TTg.
(4) Hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề
Người lao động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài được hỗ trợ:
- Một phần chi phí bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề
+ Mức hỗ trợ bằng 70% chi phí đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo
+ Tối đa là 03 triệu đồng/người/khóa học đối với người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.
+ Tối đa là 2,5 triệu đồng/người/khóa học đối với người thuộc hộ cận nghèo.
- Một phần chi phí đào tạo ngoại ngữ:
+ Mức hỗ trợ bằng 70% chi phí đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo
+ Tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học
- Người lao động tham gia các chương trình đào tạo trình độ cao theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ.
Mức hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như thế nào?
Ai được nhận hỗ trợ khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 61/2015/NĐ-CP được hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC về đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm:
- Người dân tộc thiểu số;
- Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;
- Thân nhân của người có công với cách mạng gồm: cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi).
- Người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp quy định tại Quyết định 63/2015/QĐ-TTg.
Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm những nội dung gì?
Tại Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có quy định như sau:
Nội dung hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài.
3. Chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động.
4. Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
5. Quản lý người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
6. Thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
7. Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
8. Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.
Theo đó, hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm những nội dung được nêu trên.