Miền tây có bao nhiêu tỉnh? Tỉnh nào ở miền tây có mức lương tối thiểu cao nhất?
Miền Tây có bao nhiêu tỉnh?
Miền tây (hay vùng đồng bằng sông Cửu Long) có 13 tỉnh bao gồm: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Căn cứ theo Quyết định 287/QĐ-TTg năm 2022 quy định như sau:
1. Vùng đất bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
2. Vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Miền tây có bao nhiêu tỉnh? Tỉnh nào ở miền tây có mức lương tối thiểu cao nhất?
Mục tiêu phát triển miền tây thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Căn cứ theo Quyết định 287/QĐ-TTg năm 2022 mục tiêu phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy định như sau:
- Về môi trường, sinh thái:
+ Nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 đạt 7,5 %, Bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thải đầm phá nhằm đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chủ động phòng, tránh giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
+ Giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị thông qua hiện đại hóa công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, tăng cường thu gom, xử lý và tái chế rác thải. Đến năm 2030, 100% chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp được thu gom và xử lý.
- Về văn hóa - xã hội:
+ Về giáo dục - đào tạo: Nâng cao mặt bằng học vấn và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục; phấn đấu đến năm 2030, nâng tỷ lệ học sinh ở các cấp học và tỷ lệ phòng học kiên cố đạt mức bình quân cả nước.
+ Về lao động:
Phát triển Lực lượng lao động chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó chú trọng các ngành trọng tâm của vùng. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp (dịch vụ và công nghiệp - xây dựng) đạt 75-80%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.
+ Về y tế:
Xây dựng hệ thống y tế toàn vùng theo hướng phủ khắp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đến năm 2030, đạt 30 giường bệnh viện; 10 bác sĩ; 2,8 dược sĩ đại học; 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân.
+ Về văn hóa:
Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp phát triển du lịch.
- Về phát triển kinh tế:
+ Tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030; tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.
+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dần từ cơ cấu ngành thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn, từ công nghệ thấp sang trung bình và cao theo hướng thông minh. Đến năm 2030, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, chế biến thô, các ngành công nghệ thấp giảm xuống dưới 50%; tỷ trọng các ngành thâm dụng vốn, các ngành công nghệ trung bình và cao như hóa chất, được, máy móc thiết bị, đồ điện, phương tiện vận tải chiếm trên 40% giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến chế tạo.
+ Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021.
+ Cơ cấu kinh tế: Năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.
Tỉnh nào ở miền tây có mức lương tối thiểu cao nhất?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng 1 | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng 2 | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng 3 | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng 4 | 3.450.000 | 16.600 |
Theo quy định trên thì người lao động tại vùng 1 sẽ có mức lương tối thiểu cao nhất là: 4.960.000 đồng/tháng và 23.800 đồng/giờ.
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP các quy định các tỉnh, thành đang hưởng mức lương tối thiểu vùng 1 là:
- Các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội;
- Các thành phố Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái và các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh;
- Các quận và các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải, Kiến Thụy thuộc thành phố Hải Phòng;
- Thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương;
- Các quận, thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc Thành phố Hồ Chí Minh;
- Các thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai;
- Các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương;
- Thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An.
Như vậy, tỉnh ở miền tây có mức lương tối thiểu cao nhất bao gồm:
- Thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An.