Mẫu sổ thống kê tai nạn lao động phải được lập như thế nào?
Phải mở sổ thống kê tai nạn lao động vào thời điểm nào?
Tại Điều 3 Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
Thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp thông tin tai nạn lao động
1. Trách nhiệm thu thập, lưu trữ thông tin tai nạn lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình; mở sổ thống kê tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; cập nhật đầy đủ, kịp thời vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm hoạt động; trong đó, xác định yếu tố chính gây chấn thương theo danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) phải tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn; mở sổ thống kê tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; cập nhật đầy đủ, kịp thời vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm hoạt động; trong đó, xác định yếu tố chính gây chấn thương theo danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
...
Theo đó, doanh nghiệp phải thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình và mở sổ thống kê tai nạn lao động, cập nhật đầy đủ, kịp thời vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm hoạt động.
Mẫu sổ thống kê tai nạn lao động phải được lập như thế nào? (Hình từ Internet)
Mẫu sổ thống kê tai nạn lao động phải được lập như thế nào?
Hiện nay, sổ thống kê tai nạn lao động phải được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:
Tải Mẫu sổ thống kê tai nạn lao động: Tại đây
Hướng dẫn ghi mẫu:
(1) Ghi tên, ngành, mã ngành theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Thống kê.
(2) Ghi tên, mã số theo danh mục và mã số các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành trong báo cáo thống kê, thống nhất ghi cấp 1.
(3) Ghi tên và mã số nghề nghiệp theo danh mục nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo Luật Thống kê, thống nhất ghi cấp 3.
(4) Ghi có hợp đồng lao động (ghi rõ: không xác định thời hạn; xác định thời hạn; theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định thời hạn dưới 12 tháng) hoặc không có hợp đồng lao động.
(5) Ghi theo cơ cấu tổ chức của đơn vị (không phải là vị trí làm việc).
(6) Ghi tên và mã số của 01 yếu tố chính gây chấn thương trong danh mục các yếu tố gây chấn thương quy định tại Phụ lục IV Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH.
(7) Ghi theo danh mục các chấn thương đã xác định loại tai nạn lao động nặng ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
(8) Ghi 01 nguyên nhân chính gây tai nạn lao động theo nguyên nhân tại biên bản điều tra tai nạn lao động.
(9) Tất cả những vụ tai nạn lao động làm cho người lao động thuộc quyền quản lý phải nghỉ làm việc từ một ngày trở lên đều phải được thống kê để báo cáo tai nạn lao động.
Không thống kê tai nạn lao động sẽ bị xử phạt thế nào?
Tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không thống kê tai nạn lao động; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đầy đủ hoặc báo cáo không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, khi người sử dụng lao động có hành vi không thống kê về tai nạn lao động thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng (đối với cá nhân) và từ 10 - 20 triệu đồng (đối với tổ chức).