Mẫu Phiếu đăng ký dự tuyển lao động làm việc cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mới nhất?
- Hiện nay tổ chức nước ngoài tại Việt Nam gồm những tổ chức nào?
- Người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có trách nhiệm gì?
- Hồ sơ của người lao động đăng ký dự tuyển vào làm việc cho tổ chức nước ngoài như thế nào?
- Tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài thực hiện trình tự ra sao?
- Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển lao động làm việc cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mới nhất
Hiện nay tổ chức nước ngoài tại Việt Nam gồm những tổ chức nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
...
3. Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam là cơ quan, tổ chức nước ngoài được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực;
b) Văn phòng thường trú cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình nước ngoài;
c) Tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài;
d) Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy đăng ký theo quy định của pháp luật;
đ) Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài.
...
Như vậy, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được hiểu là cơ quan, tổ chức nước ngoài được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam gồm những tổ chức được quy định như trên.
Mẫu Phiếu đăng ký dự tuyển lao động làm việc cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mới nhất
Người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có trách nhiệm gì?
Căn cứ Điều 25 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, cụ thể như sau:
Trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài
1. Tuân thủ pháp luật về lao động của Việt Nam.
2. Thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
3. Thực hiện đúng các quy định của tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo đó, người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có những trách nhiệm được nêu cụ thể như trên.
Hồ sơ của người lao động đăng ký dự tuyển vào làm việc cho tổ chức nước ngoài như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 152/2020/NĐ-CP về hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động Việt Nam bao gồm:
- Phiếu đăng ký dự tuyển lao động;
- Bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy khai sinh;
+ Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ liên quan đến công việc mà người lao động đăng ký dự tuyển.
Nếu của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài thực hiện trình tự ra sao?
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 152/2020/NĐ-CP về thủ tục tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:
Các hình thức tuyển dụng người lao động:
- Tuyển dụng trực tiếp
- Thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động hoặc
- Thông qua tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam.
Trường hợp tuyển dụng thông qua tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam
Bước 1: Gửi hồ sơ
- Tổ chức nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam.
- Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Bước 2: Tổ chức tuyển dụng người lao động
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng người lao động Việt Nam có trách nhiệm tuyển dụng người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Hết thời hạn nêu trên mà tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng người lao động Việt Nam không tuyển, giới thiệu được người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 3: Tổ chức nước ngoài ký hợp đồng lao động với người lao động
Bước 4: Tổ chức nước ngoài thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng người lao động
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động với người lao động Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao có chứng thực hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam và các giấy tờ quy định tại khoản 2, 4 Điều 23 Nghị định 152/2020/NĐ-CP cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam.
- Trường hợp hợp đồng lao động đã ký kết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.
Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển lao động làm việc cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mới nhất
Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển lao động là Mẫu số 01/PLII Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Tải mẫu phiếu đăng ký dự tuyển lao động làm việc cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mới nhất: Tải về.