Mẫu bảng đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên là mẫu nào?
Mẫu bảng đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên là mẫu nào?
Đánh giá hiệu suất (Performance Appraisal) là một quy trình định kỳ nhằm đánh giá kết quả công việc và đóng góp của nhân viên đối với tổ chức. Quá trình này giúp xác định các điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên, từ đó đưa ra các phản hồi và kế hoạch cải thiện hiệu suất làm việc.
Các phương pháp đánh giá hiệu suất phổ biến:
- Đánh giá theo danh sách (Checklist): Sử dụng danh sách các tiêu chí và đánh dấu những tiêu chí mà nhân viên đạt được.
- Quản lý theo mục tiêu (MBO): Đặt ra các mục tiêu cụ thể và đánh giá dựa trên mức độ hoàn thành các mục tiêu đó.
- Đánh giá 360 độ: Thu thập phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau như đồng nghiệp, cấp trên, và khách hàng để có cái nhìn toàn diện về hiệu suất của nhân viên.
- Đánh giá theo hành vi: Đánh giá dựa trên các hành vi cụ thể liên quan đến công việc.
Quy trình đánh giá hiệu suất thường bao gồm các bước sau:
- Thiết lập tiêu chí đánh giá: Xác định các tiêu chí và mục tiêu cụ thể cho từng vị trí công việc.
- Thu thập dữ liệu: Thu thập thông tin về hiệu suất làm việc của nhân viên từ các nguồn khác nhau.
- Thực hiện buổi đánh giá: Tổ chức các buổi họp giữa quản lý và nhân viên để thảo luận về hiệu suất và đặt ra các mục tiêu cải thiện.
- Phản hồi và lập kế hoạch phát triển: Đưa ra phản hồi xây dựng và lập kế hoạch phát triển cá nhân cho nhân viên.
Đánh giá hiệu suất không chỉ giúp cải thiện hiệu quả làm việc mà còn tăng cường sự gắn bó và động lực của nhân viên trong tổ chức.
Hiện nay Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản liên quan chưa có quy định về mẫu bảng đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên, tuy nhiên doanh nghiệp có thể tự soạn thảo cho phù hợp với yêu cầu công việc và đảm bảo về mặt nội dung và hình thức.
Có thể tham khảo mẫu bảng đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên dưới đây:
Tải mẫu bảng đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên: TẢI VỀ.
Mẫu bảng đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên là mẫu nào? (Hình từ Internet)
Người lao động không đảm bảo hiệu suất có bị giảm lương không?
Theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Theo đó người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Thậm chí, nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Như vậy, nếu không có bất cứ sự thay đổi nào thì công ty phải trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng lao động, không được phép tự ý giảm tiền lương của người lao động vì lý do không đảm bảo hiệu suất công việc.
Công ty tự ý giảm tiền lương của người lao động vì lý do không đảm bảo hiệu suất công việc thì có bị xử phạt không?
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về tiền lương
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng;
b) Không xây dựng thang lương, bảng lương hoặc định mức lao động; không áp dụng thử mức lao động trước khi ban hành chính thức;
c) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; quy chế thưởng;
d) Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định;
đ) Không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: ... không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động ... theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
...
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên quy định đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền gấp 02 lần.
Như vậy theo như quy định trên nếu công ty tự ý giảm tiền lương của người lao động vì lý do không đảm bảo hiệu suất công việc sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu tới 100 triệu đồng.
Đồng thời, buộc công ty phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.