Mang thai tháng thứ 8 là tuần bao nhiêu? Có được yêu cầu lao động nữ mang thai tháng thứ 8 làm thêm giờ hay không?
Mang thai tháng thứ 8 là tuần bao nhiêu?
Thai kỳ tháng thứ 8 bắt đầu từ tuần 29 đến tuần 32. Lúc này mẹ bầu có nhiều thay đổi về thể chất và tinh thần cũng như cảm nhận rõ ràng hơn những chuyển động của bé yêu.
Dựa theo bảng cân nặng thai nhi chuẩn WHO, mẹ bầu có thể theo dõi được chiều dài và cân nặng thai nhi chuẩn khi mang thai tháng thứ 8 để có thể biết được tổng quan sự phát triển của con khi ở trong bụng mẹ. Từ đó giúp mẹ có sự thay đổi về chế độ sinh hoạt, tập luyện của mẹ bầu sao cho phù hợp.
Tuổi thai nhi | Chiều dài (cm) | Cân nặng (gam) |
Tuần 29 | 39.3 | 1239 |
Tuần 30 | 40.5 | 1.396 |
Tuần 31 | 41.8 | 1.568 |
Tuần 32 | 43.0 | 1.755 |
Ở tháng thứ 8, cơ thể bé bắt đầu lưu trữ canxi, chất béo, phốt pho và các chất dinh dưỡng khác mà bé cần sau khi chào đời. Vì bé giờ đã lớn hơn và khỏe hơn, nên mẹ bầu sẽ có cảm giác như bé đang tham gia một “lớp học thể dục nhịp điệu” với việc đá và lăn lộn trong bụng. Vậy nên, thời gian này mẹ mang thai có thể bị khó ngủ.
Trong giai đoạn này, những cơn gò sinh lý Braxton-Hicks (cơ gò nhẹ của tử cung hay xảy ra trong giai đoạn mang thai này) có thể xuất hiện, tuy nhiên nó không có nghĩa là bạn phải đến bệnh viện ngay. Cơn gò chuyển dạ thực sự diễn ra liên tục với tần suất tăng dần. Mẹ bầu có thể hỏi bác sỹ để phân biệt hai loại cơn gò này.
Ngoài ra mẹ bầu nên khám thai định kỳ để theo dõi được sự phát triển của thai nhi theo tuần để có thể dự đoán chính xác nhất thời gian trẻ sẽ ra đời.
Mang thai tháng thứ 8 là tuần bao nhiêu? Có được yêu cầu lao động nữ mang thai tháng thứ 8 làm thêm giờ hay không? (Hình từ Internet)
Có được yêu cầu lao động nữ mang thai tháng thứ 8 làm thêm giờ hay không?
Tại điểm a khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về bảo vệ thai sản như sau:
Bảo vệ thai sản
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Với quy định này thì người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động mang thai tháng thứ 8 làm thêm giờ.
Yêu cầu lao động nữ mang thai tháng thứ 8 làm thêm giờ sẽ bị xử phạt thế nào?
Tại điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;
...
Như vậy, người sử dụng lao động yêu cầu lao động nữ mang thai tháng thứ 8 làm thêm giờ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.