Lương Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp từ 1/7/2024 là bao nhiêu khi tăng lương cơ sở?
- Mức lương Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp từ 1/7/2024 sẽ là bao nhiêu khi tăng lương cơ sở?
- Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp thế nào?
- Bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp là cấp bậc nào?
- Quân nhân chuyên nghiệp biệt phái được hưởng chế độ chính sách như thế nào so với quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ?
Mức lương Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp từ 1/7/2024 sẽ là bao nhiêu khi tăng lương cơ sở?
Theo Điều 4 Thông tư 170/2016/TT-BQP quy định như sau:
Cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương
1. Cấp bậc quân hàm Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương có hệ số dưới 3,95.
2. Cấp bậc quân hàm Trung úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 3,95 đến dưới 4,45.
3. Cấp bậc quân hàm Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 4,45 đến dưới 4,90.
4. Cấp bậc quân hàm Đại úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 4,90 đến dưới 5,30.
5. Cấp bậc quân hàm Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 5,30 đến dưới 6,10.
6. Cấp bậc quân hàm Trung tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 6,10 đến dưới 6,80.
7. Cấp bậc quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 6,80 trở lên.
Theo đó, cấp bậc quân hàm Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 4,45 đến dưới 4,90.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 41/2023/TT-BQP thì mức lương của Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp được tính như sau:
Mức lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng
Hiện nay: Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng áp dụng cho quân nhân chuyên nghiệp.
Theo đó, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp từ 1/7/2024 được nhận mức lương từ: 10.413.000 đồng/tháng đến dưới 11.466.000 đồng/tháng.
Lưu ý: Mức lương trên không bao gồm các khoản phụ cấp, trợ cấp.
Xem chi tiết toàn bộ bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tính theo mức lương cơ sở mới: Tải về
Lương Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp từ 1/7/2024 là bao nhiêu khi tăng lương cơ sở? (Hình từ Internet)
Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp thế nào?
Theo Điều 36 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định:
Tiền lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
1. Tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xác định theo trình độ đào tạo, chức danh, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt.
2. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng phụ cấp như sau:
a) Phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội theo quy định của pháp luật;
b) Phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện làm việc;
c) Phụ cấp, trợ cấp phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự.
3. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở xã hội; thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.
4. Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp về nhà ở.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp như sau:
- Phụ cấp thâm niên quân nhân chuyên nghiệp được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội theo quy định của pháp luật;
- Phụ cấp, trợ cấp quân nhân chuyên nghiệp như đối với cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện làm việc;
- Phụ cấp, trợ cấp của quân nhân chuyên nghiệp phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự.
Bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp là cấp bậc nào?
Theo Điều 16 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định:
Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp
1. Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương, gồm:
a) Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;
b) Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;
c) Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp;
d) Đại úy quân nhân chuyên nghiệp;
đ) Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp;
e) Trung úy quân nhân chuyên nghiệp;
g) Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp.
2. Bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp gồm:
a) Loại cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;
b) Loại trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;
c) Loại sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương của từng loại.
Theo đó bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp chia làm ba loại:
- Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp là loại cao cấp;
- Trung tá quân nhân chuyên nghiệp là loại trung cấp;
- Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp là loại sơ cấp.
Quân nhân chuyên nghiệp biệt phái được hưởng chế độ chính sách như thế nào so với quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ?
Theo Điều 19 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định:
Biệt phái quân nhân chuyên nghiệp
1. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ được biệt phái đến công tác ở cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, do cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Quân nhân chuyên nghiệp biệt phái được hưởng chế độ, chính sách như đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ.
3. Cơ quan, tổ chức nhận biệt phái có trách nhiệm giao nhiệm vụ và bảo đảm các chế độ cho quân nhân chuyên nghiệp biệt phái theo quy định của pháp luật.
Theo đó quân nhân chuyên nghiệp biệt phái được hưởng chế độ chính sách tương đương quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ.