Lực lượng tuần tra, canh gác đê được trang bị dụng cụ, sổ sách như thế nào?
Lực lượng tuần tra, canh gác đê có nhiệm vụ gì?
Theo Điều 4 Thông tư 01/2009/TT-BNN quy định thì nhiệm vụ của lực lượng tuần tra, canh gác đê như sau:
- Chấp hành sự phân công của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên trách quản lý đê Điều.
- Tuần tra, canh gác và thường trực trên các điếm canh đê, khi có báo động lũ từ cấp I trở lên đối với tuyến sông có đê. Theo dõi diễn biến của đê Điều; phát hiện kịp thời những hư hỏng của đê Điều và báo cáo ngay cho Ban chỉ huy chống lụt bão xã, cán bộ chuyên trách quản lý đê Điều phụ trách tuyến đê đó và khẩn trương tiến hành xử lý giờ đầu theo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn.
- Tham gia xử lý sự cố và tu sửa kịp thời những hư hỏng của đê Điều, dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ chuyên trách quản lý đê Điều hoặc ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
- Canh gác, kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp Luật về đê Điều và phòng, chống lụt, bão và báo cáo ngay cán bộ chuyên trách quản lý đê Điều.
- Đeo phù hiệu khi làm nhiệm vụ.
Lực lượng tuần tra, canh gác đê được trang bị dụng cụ, sổ sách như thế nào?
Theo Điều 6 Thông tư 01/2009/TT-BNN quy định thì trang bị dụng cụ, sổ sách được trang bị cho lực lượng tuần tra, canh gác đê như sau:
Lực lượng tuần tra, canh gác đê được trang bị:
- Dụng cụ thông tin, liên lạc, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, canh gác đê; dụng cụ ứng cứu như đèn, đuốc, mai, cuốc, xẻng, đầm, vồ… và các dụng cụ cần thiết khác phù hợp với từng địa phương;
- Sổ sách để ghi chép tình hình diễn biến của đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình quản lý khác; tiếp nhận chỉ thị, nhận xét của cấp trên, phân công, bố trí người tuần tra, canh gác hàng ngày.
Số lượng dụng cụ, sổ sách tối thiểu được trang bị cho mỗi đội tuần tra, canh gác đê như sau:
- Về dụng cụ:
+ Áo phao: 06 cái;
+ Áo đi mưa: 18 cái;
+ Xe cải tiến: 02 chiếc;
+ Quang gánh : 10 đôi;
+ Xẻng: 06 cái;
+ Cuốc: 06 cái;
+ Mai đào đất: 02 cái;
+ Xè beng: 01 cái;
+ Dao: 10 con;
+ Vồ: 05 cái;
+ Đèn bão: 05 cái;
+ Đèn ắc quy hoặc đèn pin: 05 cái;
+ Trống hoặc kẻng: 01 cái;
+ Biển tín hiệu báo động lũ: 01 bộ;
+ Đèn tín hiệu báo động lũ: 01 bộ;
+ Tiêu, bảng báo hiệu hư hỏng: 20 cái;
+ Dầu hỏa: 10 lít.
- Về sổ sách:
+ Sổ ghi danh sách, phân công người tuần tra canh gác theo từng ca, kíp trong ngày; ghi chỉ thị, ý kiến của cấp trên và những nội dung đã báo cáo với cấp trên trong ngày.
+ Sổ nhật ký ghi chép diễn biến của đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê và công trình quản lý khác;
Những sổ sách trên phải giữ gìn cẩn thận, ghi chép rõ ràng và thường xuyên để ở trụ sở của đội (điếm canh đê hoặc nhà dân khu vực gần đê - đối với những khu vực chưa có điếm canh đê); nếu không có lệnh của đội trưởng thì không được mang sổ sách đi nơi khác.
- Dụng cụ, sổ sách trên được để tại trụ sở của đội và được bàn giao giữa các kíp trực.
Lực lượng tuần tra, canh gác đê được trang bị dụng cụ, sổ sách như thế nào? (Hình từ Internet)
Nội dung tuần tra, canh gác đê ra sao?
Theo Điều 9 Thông tư 01/2009/TT-BNN quy định thì nội dung tuần tra, canh gác đê như sau:
Phạm vi tuần tra:
- Báo động lũ ở cấp I, bố trí người tuần tra như sau:
+ Lượt đi: 01 người (ban ngày), 02 người (ban đêm) kiểm tra mặt đê, mái đê phía sông, khu vực hành lang bảo vệ đê phía sông;
+ Lượt về: 01 người (ban ngày), 02 người (ban đêm) kiểm tra mái đê phía đồng, khu vực hành lang bảo vệ đê phía đồng, mặt ruộng, hồ ao gần chân đê phía đồng;
- Báo động lũ ở cấp 2, bố trí người tuần tra như sau:
+ Lượt đi: 01 người kiểm tra mặt đê, mái đê phía sông, khu vực hành lang bảo vệ đê phía sông; 01 người (ban ngày), 02 người (ban đêm) kiểm tra mái đê phía đồng, khu vực hành lang bảo vệ đê phía đồng, mặt ruộng, hồ ao gần chân đê phía đồng;
+ Lượt về: 01 người (ban ngày), 02 người (ban đêm) kiểm tra mặt đê, mái đê phía sông, khu vực hành lang bảo vệ đê phía sông; 01 người kiểm tra mái đê phía đồng, khu vực hành lang bảo vệ đê phía đồng, mặt ruộng, hồ ao gần chân đê phía đồng;
- Báo động lũ ở cấp 2 và có tin bão khẩn cấp đổ bộ vào khu vực hoặc báo động lũ ở cấp 3 trở lên, bố trí người tuần tra như sau:
+ Lượt đi: 02 người kiểm tra mái đê, khu vực hành lang bảo vệ đê phía đồng, mặt ruộng, hồ ao gần chân đê phía đồng; 01 người kiểm tra mặt đê.
+ Lượt về: 02 người kiểm tra phía đồng; 01 người kiểm tra mặt đê, mái đê và khu vực hành lang bảo vệ đê phía sông.
- Mỗi kíp tuần tra phải kiểm tra vượt quá phạm vi phụ trách về hai phía, mỗi phía 50m. Đối với những khu vực đã từng xảy ra sự cố hư hỏng, phải kiểm tra quan sát rộng hơn để phát hiện sự cố.
Người tuần tra, canh gác phải phát hiện kịp thời những hư hỏng của đê.
Khi phát hiện có hư hỏng, người tuần tra phải tiến hành các công việc sau:
- Xác định loại hư hỏng, vị trí, đặc điểm, kích thước của loại hư hỏng;
- Xác định mực nước sông so với mặt đê tại vị trí phát sinh hư hỏng;
- Đánh dấu bằng cách ghi bảng, cắm tiêu báo hiệu vị trí hư hỏng; nếu sự cố nghiêm trọng, phải cấm người, vật, xe cơ giới đi qua và bố trí người canh gác tại chỗ để theo dõi thường xuyên diễn biến của hư hỏng;
- Báo cáo kịp thời và cụ thể tình hình hư hỏng cho đội trưởng hoặc đội phó, cán bộ chuyên trách quản lý đê Điều và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão xã.