Lực lượng nòng cốt trong lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân là lực lượng nào?
Lực lượng nòng cốt trong lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân là lực lượng nào?
Căn cứ theo Điều 12 Luật Phòng không nhân dân 2024 có hiệu lực từ 01/7/2025 quy định như sau:
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân
1. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân bao gồm:
a) Lực lượng nòng cốt;
b) Lực lượng rộng rãi.
2. Lực lượng nòng cốt là lực lượng được tổ chức tại các đơn vị bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ và dự bị động viên.
3. Lực lượng rộng rãi bao gồm:
a) Lực lượng được huy động gồm Dân quân tự vệ, quân nhân dự bị chưa được sắp xếp vào các đơn vị và lực lượng từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân để tham gia bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập, phục vụ chiến đấu, chiến đấu, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không và bảo đảm an toàn phòng không;
b) Lực lượng tự nguyện do quần chúng nhân dân tham gia để phục vụ chiến đấu, chiến đấu, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không và bảo đảm an toàn phòng không.
Theo quy định trên có thể thấy lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân bao gồm 2 lực lượng là:
- Lực lượng nòng cốt;
- Lực lượng rộng rãi.
Trong đó, lực lượng nòng cốt là lực lượng được tổ chức tại các đơn vị bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ và dự bị động viên.
Lực lượng nòng cốt trong lực lượng phòng không nhân dân là lực lượng nào? (Hình từ Internet)
10 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng không nhân dân là gì?
Căn cứ Điều 7 Luật Phòng không nhân dân 2024 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng không nhân dân như sau:
(1) Trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, hoạt động và thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng phòng không nhân dân theo quy định tại Luật này.
(2) Huy động, sử dụng lực lượng, vũ khí, phương tiện, công trình phòng không nhân dân trái quy định của pháp luật.
(3) Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
(4) Cung cấp thông tin, chỉ điểm, quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ làm lộ mục tiêu trận địa, kế hoạch, trang bị kỹ thuật, các công trình chiến đấu.
(5) Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện công tác phòng không nhân dân.
(6) Chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, sở hữu, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác trái pháp luật.
(7) Xâm phạm, làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang bị, thiết bị, phương tiện, công trình phòng không nhân dân.
(8) Tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động quản lý, bảo vệ vùng trời; thông báo, báo động sai hoặc chế áp các trang thiết bị phòng không nhân dân trái pháp luật.
(9) Sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác để mang thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, chất cấm, hàng hóa trái pháp luật hoặc tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước.
(10) Các hành vi khác làm ảnh hưởng đến hoạt động phòng không nhân dân, an toàn bay, an toàn phòng không.
Phòng không nhân dân là gì?
Theo Điều 2 Luật Phòng không nhân dân 2024 quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân do bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt, cùng với phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh địch, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không trong khu vực phòng thủ, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.
2. Thế trận phòng không nhân dân là hình thái tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, công trình phòng không nhân dân và nguồn lực cần thiết cho từng địa bàn trong khu vực phòng thủ và phạm vi cả nước để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.
3. Chướng ngại vật phòng không là vật cản tự nhiên, công trình nhân tạo có thể ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, bảo vệ vùng trời của các trận địa phòng không.
4. Trận địa phòng không là khu vực triển khai vũ khí, trang bị kỹ thuật phòng không để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, quản lý, bảo vệ vùng trời.
5. Công trình phòng không nhân dân là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo để phục vụ cho mục đích chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh địch, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không trong khu vực phòng thủ.
6. Tàu bay không người lái là phương tiện bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự điều khiển trực tiếp của người lái trên phương tiện bay đó.
7. Phương tiện bay khác bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, tàu bay không người lái.
8. Chế áp là việc sử dụng xung lực, hỏa lực hoặc biện pháp khác để làm cho quá trình hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác bị gián đoạn, vô hiệu hoá từng chức năng hoặc mất hoàn toàn khả năng hoạt động.
Theo đó phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân do bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt, cùng với phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh địch, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không trong khu vực phòng thủ, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.
Lưu ý: Luật Phòng không nhân dân 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025.