Luân chuyển công tác là gì? Những trường hợp không được luân chuyển công tác đối với cán bộ công chức?
Luân chuyển công tác là gì?
Theo Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
...
11. Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.
12. Biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
13. Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
...
Theo đó có thể hiểu luân chuyển công tác là việc cán bộ công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.
Quá trình này giúp cán bộ, công chức có cơ hội học hỏi, phát triển kỹ năng mới và thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau. Luân chuyển công tác thường được thực hiện dựa trên yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch cán bộ và kế hoạch sử dụng công chức.
Những trường hợp nào không được luân chuyển công tác đối với cán bộ công chức?
Theo Điều 82 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định:
Các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật
1. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:
a) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
b) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
c) Hết thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc.
4. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Theo đó những trường hợp không được luân chuyển công tác đối với cán bộ công chức gồm:
- Cán bộ công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật;
- Cán bộ công chức đang bị điều tra, truy tố, xét xử.
Luân chuyển công tác là gì? Những trường hợp không được luân chuyển công tác đối với cán bộ công chức? (Hình từ Internet)
Chế độ đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ công chức hiện nay thực hiện theo căn cứ nào?
Theo Điều 25 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định:
Đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ
1. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, chức vụ, chức danh cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch cán bộ.
2. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định.
Theo Điều 47 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định:
Chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức
1. Nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng công chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn của ngạch công chức và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
2. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng công chức bao gồm:
a) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức;
b) Đào tạo, bồi dưỡng theo các chức danh lãnh đạo, quản lý.
3. Nội dung, chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng công chức do Chính phủ quy định.
Theo đó chế độ đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ công chức hiện nay thực hiện theo căn cứ như sau:
- Đối với cán bộ việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, chức vụ, chức danh cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch cán bộ.
- Đối với công chức nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo bồi dưỡng công chức phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn của ngạch công chức và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.